Liên quan đến vụ “xông vào trụ sở UBND phường chém người”, mới đây TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự và trả tự do cho các bị cáo Phạm Văn Dũng (sinh năm 1995), Nguyễn Cao Sang (sinh năm 1998) cùng các đồng phạm. Trước đó, Dũng, Sang cùng đồng phạm bị VKSND TP Biên Hòa truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS.
Dũng, Sang cùng các đồng phạm là những người từng xông vào trụ sở UBND phường Trung Dũng (TP Biên Hòa) truy chém người đổ máu khiến người dân khiếp vía. Dư luận từng đòi hỏi cơ quan tố tụng phải xử nghiêm để răn đe. Thế nhưng nay tòa đình chỉ vụ án, đồng nghĩa với việc những người gây án không bị tội. Tại sao?
“Chúng tôi đình chỉ đúng luật”
Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh án TAND TP Biên Hòa, để làm rõ việc đình chỉ vụ án nói trên. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết ông đang đi học, đề nghị phóng viên liên hệ với Thẩm phán Nguyễn Trung Hưng, người được phân công trực tiếp giải quyết vụ án.
Thẩm phán Hưng cho biết ngay sau khi được phân công, ông đã nghiên cứu hồ sơ vụ án và thấy rằng trong tám bị cáo chỉ có hai bị cáo đang bị tạm giam, sáu bị cáo còn lại được cho tại ngoại. “Để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án, tôi đã đề xuất với lãnh đạo tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam các bị cáo đang tại ngoại. Đồng thời, tôi cũng liên hệ với chính quyền phường Trung Dũng chọn địa điểm để tổ chức xét xử lưu động vụ án này” - Thẩm phán Hưng nói.
Cũng cần nói thêm, vụ án này được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, theo khoản 1 Điều 104 BLHS.
“Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, ngày 4-8, anh Quang (người bị hại) và người đại diện hợp pháp đã có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Để chắc chắn, hai ngày sau chúng tôi đã mời phía anh Quang đến để làm rõ đơn xin rút yêu cầu khởi tố đó có được viết trên sự tự nguyện hay không, có bị ai ép, đe dọa không. Qua làm việc, phía anh Quang khẳng định việc rút đơn là hoàn toàn tự nguyện. Căn cứ vào quy định tại Điều 105 BLTTHS, chúng tôi đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này”.
Trụ sở (tạm) của UBND phường Trung Dũng, TP Biên Hòa (Đồng Nai), nơi nhóm của Phạm Văn Dũng xông vào đuổi chém người bị hại. Ảnh: TIẾN DŨNG
“Không thể xử tội gây rối trật tự công cộng”
Phóng viên đặt vấn đề: Hành vi của các bị cáo rất liều lĩnh, côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm để phạm tội, gây hoang mang dư luận. Việc tòa đình chỉ giải quyết vụ án như vậy dễ làm người dân hiểu lầm là tòa bỏ lọt tội phạm. Trong khi đó, hành vi của các bị cáo nếu đối chiếu với quy định tại Điều 245 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng.
Thẩm phán Hưng cho rằng về nguyên tắc một hành vi chỉ được xử lý về một tội. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan tố tụng xác định hành vi của các bị can thỏa mãn các dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích nên đã khởi tố, truy tố các bị cáo về tội danh này. Tuy hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm, côn đồ nhưng do tỉ lệ thương tật của nạn nhân là 3% nên thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo khoản 1 Điều 104 BLHS. “Vì vậy tòa án phải đình chỉ khi người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Nay xử lý các bị cáo về tội này không được lại xoay sang xử lý về tội khác là không ổn, không đúng nguyên tắc một hành vi chỉ bị xử lý về một tội. Chúng tôi đồng tình với quan điểm truy tố của VKS trong trường hợp này” - Thẩm phán Hưng nói.
“Cũng không thể chuyển xử lý hành chính”
Vậy sau khi đình chỉ giải quyết vụ án, tòa có chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các bị cáo không?
Thẩm phán Nguyễn Trung Hưng cho biết theo khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì khi đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan tố tụng phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 2 luật này lại giải thích “vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm…”.
“Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng có căn cứ để xác định hành vi của các bị cáo đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại nên phải đình chỉ giải quyết vụ án khi người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Do đây không phải là một hành vi vi phạm hành chính nên tòa không có cơ sở để chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được” - Thẩm phán Hưng nói.
Truy đuổi tận trụ sở UBND phường để chém Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, do trước đây bị nhóm của Quang đánh nên ngày 19-5-2015, Dũng đã nhờ Sang và hai người khác đi đánh trả thù. Sang gọi điện thoại rủ thêm sáu người nữa, tất cả đều đồng ý, chuẩn bị dao tự chế để tìm đánh Quang. Nghe người quen báo, Quang cũng rủ bạn lấy xe máy đi tìm nhóm của Dũng. Hai bên gặp nhau phía trước chợ Biên Hòa rồi xảy ra xô xát. Do yếu thế, nhóm của Quang bỏ chạy và bị nhóm của Dũng đuổi theo. Đến đường 30-4, phường Trung Dũng thì xe chở Quang bị té, Quang bỏ chạy vào trụ sở (tạm) của UBND phường Trung Dũng trốn. Băng của Dũng chạy đến, một nhóm đậu xe ngoài đường, một nhóm cầm hung khí chặn trước cửa UBND phường, ba người (trong đó có Sang) cầm mã tấu rượt theo Quang, xông vào trụ sở UBND để chém. Mặc dù người dân và cán bộ UBND phường ngăn cản nhưng các bị can vẫn quyết liệt chém Quang bằng được, sau đó bỏ chạy ra xe đợi sẵn để tẩu thoát. Quang được người dân đưa đi cấp cứu. Ngày 24-5, Quang và người đại diện hợp pháp đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án và xử lý các đối tượng đã gây thương tích cho Quang. Kết luận giám định pháp y kết luận thương tật của Quang là 3%. Ngày 26-5, Công an TP Biên Hòa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dũng, Sang và các đồng phạm về tội cố ý gây thương tích (khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại). Khởi tố và đình chỉ theo yêu cầu người bị hại 1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. 2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ… (Trích Điều 105 BLHS) |
______________________________________
Mời độc giả đón đọc trên số báo ngày mai: Các chuyên gia pháp luật bình luận gì về lý giải của TAND TP Biên Hòa?