Ngày 3-5, một nam thanh niên có biểu hiện bất thường đã nhảy qua tường rào, xông vào Trường Tiểu học Đồng Lương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa), cầm dao đâm chém nhiều học sinh đang trong giờ ra chơi. Kết quả, một em bị đâm tử vong, bốn học sinh và một giáo viên bị thương. Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an ninh trường học.
Bảo vệ vừa thiếu lại yếu về chuyên môn
Trao đổi với báo chí, ông Lê Thiên Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Lương, cho biết khi xảy ra sự việc, ông Lê Văn Khánh, bảo vệ nhà trường, không có mặt tại trường do đi về nhà làm việc khác. Theo giải trình của ông Khánh, ông được nhà trường thuê làm bảo vệ nhưng lương quá thấp, không đủ sống nên ông phải làm thêm việc khác.
Đề cập đến vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM, cho biết hiện nay lương bảo vệ quá thấp, hơn 3 triệu đồng/ tháng. “Với mức lương như thế, các trường không có nhiều sự lựa chọn, không thể thuê được những thanh niên trai tráng, có nghiệp vụ làm công tác bảo vệ. Cho nên hầu hết bảo vệ tại các trường hiện nay đều là người đã nghỉ hưu ở các công việc về làm. Vì thế khi có sự cố đột xuất từ bên ngoài, các trường rất khó có thể chống chọi” - ông Phú nói.
Cùng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ: Theo quy định về vị trí việc làm, trường này có hai bảo vệ, hai phục vụ theo hợp đồng. Như vậy, tính ra mỗi buổi chỉ có một bảo vệ trông coi toàn trường, rất khó kiểm soát những chuyện xảy ra.
“Bảo vệ ở trường hiện nay thuần túy bảo vệ cơ sở vật chất đêm hôm, mở cổng, đóng cổng trường, quản việc học sinh có vi phạm nội quy trường học không. Lương thấp nên các trường khó có thể tuyển được những người trẻ, có kỹ năng. Đây là điểm yếu ở các trường mà nếu kẻ xấu có ý đồ đều có thể thực hiện được” - vị quản lý này nói.
Học sinh Trường THCS Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM khi tan trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Các trường tăng cường biện pháp
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ: Là một nhà quản lý, bản thân ông luôn đặt an ninh trường học, an toàn của học trò lên hàng đầu. Vì thế nhà trường đã bớt đi một nhân viên phục vụ và tăng thêm một bảo vệ. Như vậy, trường có ba bảo vệ. Mặt khác, trong vị trí việc làm tại các trường hiện không có giám thị nhưng trường vẫn tuyển thêm chức danh này từ nguồn kinh phí của trường. Một mặt giám thị sẽ hỗ trợ công tác quản lý học sinh, mặt khác họ sẽ phối hợp cùng bảo vệ trong việc giám sát, quản lý học sinh.
“Giờ ra về, trường mở hai cổng. Lúc này, mỗi cổng sẽ có bảo vệ cùng với giám thị đứng trực, đề phòng kẻ xấu lợi dụng tình hình trà trộn vào. Phụ huynh không được vào trường đón con, chỉ đứng bên ngoài chờ. Trong thời gian tới tôi sẽ quy định giáo viên muốn tiếp phụ huynh phải đăng ký lịch với văn thư, văn thư sẽ báo để bảo vệ nắm. Ngược lại, trường hợp phụ huynh có nhu cầu đột xuất muốn gặp giáo viên thì cần có sự cẩn trọng hơn từ bảo vệ, giám thị trường. Đồng thời tôi sẽ đưa phòng giám thị ra phía bên ngoài, ở gần phòng bảo vệ để dễ quan sát, phối hợp khi có sự cố xảy ra” - vị này nói.
Liên quan đến vấn đề trên, hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, TP.HCM bày tỏ: “Ở trường, ngoài hai bảo vệ theo hợp đồng, trường còn thuê thêm hai người từ nguồn kinh phí của trường. Ngoài ra, nhà trường đã gắn được 16 camera ở tất cả cổng trường và khu hành lang” - vị hiệu trưởng nói.
Phải làm sao lương bảo vệ đảm bảo mức sống mới thu hút người có nghiệp vụ. Ngoài ra, nên đưa võ thuật vào học đường, trang bị cho học sinh các kỹ năng phòng vệ với những tình huống xấu. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải phối hợp với địa phương trong công tác giáo dục. Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du |
Theo vị này, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với công an khu vực tại địa bàn trong việc đảm bảo an ninh trường học. Mặt khác, do địa thế của trường ở vị trí thuận lợi, đất rộng nên khu văn phòng được xây tách bạch với khu phòng học, do đó hạn chế được tối đa việc phụ huynh hay người lạ tiếp xúc trực tiếp với khu vực học sinh.
“Ra về là thời điểm nhạy cảm, dễ xảy ra sự cố, tôi bố trí bảo mẫu các lớp phải dẫn trẻ xuống sân trường, giao trẻ tận tay phụ huynh, bảo vệ trực sẵn trước cổng trường” - vị này nhấn mạnh.
Là người đã 15 năm làm công tác bảo vệ tại Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, ông Hoàng Văn Phú khẳng định: “Làm việc này phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh miệng, phải biết quan sát. Khi thấy người lạ, có dấu hiệu khả nghi thì phải can thiệp kịp thời”.
Ông Phú chia sẻ thêm: “Hầu hết phụ huynh tôi đều biết mặt, thậm chí nhớ biển số xe vì tôi gặp họ mỗi ngày. Khi thấy người lạ lại gần trường, tôi làm việc ngay. Ngoài ra, tôi cũng sắm sẵn đồ nghề phòng sự cố xảy ra”.
Tuyển dụng bảo vệ có nghiệp vụ Ngày 6-5, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, đã tới làm việc với Trường Tiểu học Đồng Lương. Tại đây, ông Linh cho rằng công tác bảo đảm an toàn trong trường học là việc của chính quyền địa phương, ban giám hiệu nhà trường nhưng cần có sự phối hợp với gia đình học sinh, các cơ quan, đoàn thể. Nhiều địa phương còn tồn tại một số bảo vệ không đủ sức khỏe, không đủ trình độ. Điều này các cơ sở giáo dục trong thời gian tới phải chú trọng. Tất cả kinh phí hoạt động của trường do Nhà nước cấp. Vị trí bảo vệ trong trường cũng đã được quy định, cho nên phải làm sao lên phương án tuyển dụng bảo vệ trường có nghiệp vụ với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh. |