Xử lý hàng cổ thụ để xây cầu Thủ Thiêm 2

“Số lượng cây và diện tích mảng xanh tại các vị trí làm cầu mới Thủ Thiêm 2 sau khi xây dựng xong sẽ lớn hơn diện tích, số cây trên đường Tôn Đức Thắng buộc phải đốn hạ, di dời trước đó”. Sáng 18-7, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết như trên. Chiều cùng ngày, Sở GTVT TP có cuộc họp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị phương án xử lý 258 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng nhằm phục vụ cho việc thi công cầu Thủ Thiêm 2 trong những ngày tới.

Bốn giai đoạn

Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh - Sở GTVT, việc xử lý 258 cây xanh (di dời 115 cây, đốn hạ 143 cây) trên đường Tôn Đức Thắng sẽ không làm đồng loạt mà thực hiện theo từng giai đoạn, tương thích với tiến độ xây dựng từng hạng mục của cầu, đường.

Cụ thể có bốn giai đoạn: Từ tháng 8-2017, di dời 20 cây, đốn hạ 43 cây từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến giáp bờ sông Sài Gòn để thi công các trụ cầu chính và nhánh N2 cầu Thủ Thiêm 2; tháng 10-2017, xử lý 79 cây (di dời 36 và đốn hạ 43) nằm hai bên vỉa hè đoạn từ đường Lê Duẩn tới Nguyễn Hữu Cảnh để mở rộng mặt đường hai bên cầu Thủ Thiêm 2. Tiếp đó, tháng 3-2018, xử lý 70 cây (di dời 35 và đốn hạ 35) ở trên hai dải phân cách giữa đường hiện hữu từ đường Lê Duẩn tới đường Nguyễn Hữu Cảnh để thi công đường dẫn, các trụ và nhịp cầu; tháng 5-2018, xử lý 46 cây (di dời 24 và đốn hạ 22) từ cuối đốc tàu Ba Son tới Công trường Mê Linh để thi công nhánh N1.

Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Hội Cầu-Đường-Cảng TP, cho biết nguyên tắc là di dời, đốn hạ số cây cũ đến đâu thì trong thời gian ngắn nhất phải trồng lại cây mới, đưa cây cũ đi chăm dưỡng về lại trồng vào vị trí đã được xác định quanh cầu chính, các nhánh cầu… “Việc này nhằm làm cho người dân TP không cảm thấy bị hụt hẫng, tổn thương vì thiếu vắng bóng cây xanh trong thời gian làm cầu. Việc vừa thi công cầu đường vừa trồng mới, trồng lại cây cũ sẽ bảo đảm khi cầu đường làm xong là đã có mảng xanh, cây mới. Cầu đường Thủ Thiêm 2 xong thì không gian xung quanh sẽ không bị trống lốc như ở các công trình khác” - kỹ sư Hà Ngọc Trường nói.

Theo kế hoạch, từ tháng 8-2017, hàng cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 (TP.HCM), sẽ được  di dời, đốn hạ để làm cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: L.ĐỨC

Gốc cây xà cừ (sọ khỉ) đâm ngang phá vỡ vỉa hè. Ảnh: L.ĐỨC

Đưa về chăm dưỡng ở Thủ Đức

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết 143 cây bị đốn hạ trên đường Tôn Đức Thắng là cây có kích thước lớn, kỹ thuật di dời phức tạp, tốn kém, khả năng sống sau bứng dưỡng rất thấp. 115 cây phải di dời sẽ được bứng đưa về lâm viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, quận Thủ Đức chăm dưỡng, còn gỗ từ các cây bị đốn hạ được thu hồi sẽ sử dụng để chế tạo các sản phẩm phục vụ công cộng.

Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh Nguyễn Khắc Dũng cho biết thêm trong 258 cây phải đốn hạ, di dời thì có đến 196 cây sọ khỉ (còn gọi là xà cừ). Số cây này đều có đường kính gốc lớn hơn 50 cm, thân bị lệch nghiêng ngả ra mặt đường, bị sâu bệnh, rễ chùm lan rộng phá hỏng mặt đường và tỉ lệ bứng, chăm dưỡng thành công rất thấp. “Sọ khỉ là loại cây được khuyến cáo không nên trồng lại hoặc trồng mới ở các đô thị, đường phố do những khiếm khuyết cố hữu của nó” - ông Dũng nói.

TP sẽ nhiều mảng xanh hơn

- Theo Sở GTVT TP.HCM, số cây phải di dời, đốn hạ trên đường Tôn Đức Thắng tại khu vực xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 là 258 cây, chiếm diện tích mảng xanh hơn 22.100 m2. Sau khi làm xong cầu đường, số cây trồng mới là 373 cây và diện tích mảng xanh tái tạo là hơn 26.000 m2. Sau ba năm trồng, chăm dưỡng mảng xanh tại đây sẽ đạt gần 38.150 m2, bằng 172,5% mảng xanh bị ảnh hưởng khi làm cầu đường mới.

- Tại công trình mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, để mở cổng mới vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải đốn hạ, di dời 93 cây nhưng sẽ trồng mới, tái tạo mảng xanh là 175 cây.

- Tại công trình mở rộng đường Hoàng Minh Giám để lên cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn sẽ phải di dời, đốn hạ 30 cây nhưng sẽ trồng mới 110 cây.

- Công trình mở rộng đường Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức, song hành với xa lộ Hà Nội (đoạn từ Alexandre de Rhodes đến Hàn Thuyên) sẽ phải di dời, đốn hạ 47 cây nhưng sẽ trồng mới 76 cây và sau ba năm mảng xanh mới sẽ là 2.479 m2 (cũ là 1.380 m2).

_____________________________

Về mặt kinh tế, việc đốn hạ một cây mất 4 triệu đồng, bứng dưỡng mất 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với những cây sọ khỉ cổ thụ khi bứng dưỡng có bộ rễ lớn, đường kính rộng 3-4 m thì phải khoét đất xung quanh rất rộng, tỉ lệ sống chỉ còn lại dưới 50% và giá thành lúc đó lên tới 40 triệu đồng/cây. Nếu chọn trong số cây còn khả năng sống để trồng lại thì giá thành lên tới 80 triệu đồng/cây. Nhưng dù tốn kém hơn cũng phải làm vì để trồng lớn một cây sọ khỉ phải mất rất nhiều năm.

Kỹ sư ĐỒNG VĂN KHIÊM, Phó Chủ tịch Hội đồng phản biện phương án xử lý cây xanh phục vụ thi công cầu Thủ Thiêm 2 thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm