Trong vụ Công an phường An Phú, quận 2 (TP.HCM) bị kiện cũng thế, rõ ràng anh T. và ba chú cháu anh K. có đánh nhau, cả hai bên đều “ăn đòn”.
Thông thường trong một vụ đánh lộn, nếu bên A (tạm gọi vậy) bị thương tích đủ để xử lý hình sự (hoặc đủ yếu tố khác để xử lý hình sự) bên B tội cố ý gây thương tích thì bên A sẽ là người bị hại của vụ án. Khi đó, hành vi đánh lộn của A cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự tội gây rối trật tự công cộng (nếu thương tích của B chưa đủ yếu tố để xử lý A tội cố ý gây thương tích).
Cũng có trường hợp cả hai bên đều bị xử lý tội cố ý gây thương tích, hễ A là bị cáo thì B là người bị hại và ngược lại. Còn nếu thương tích của cả hai bên đều không đủ yếu tố để xử lý hình sự thì tùy theo tính chất, cả hai đều có thể bị xem xét tội gây rối trật tự công cộng. Tất nhiên việc xử lý nặng - nhẹ của hai bên còn phụ thuộc vào mức độ lỗi nữa, chẳng hạn bên nào gây gổ, “ra tay” trước…
Đó là nói về hình sự. Còn khi tính chất, mức độ chưa tới mức xử lý hình sự thì hai bên vẫn có thể bị xử phạt hành chính với hành vi tương ứng. Khi đó, cái “nguyên lý” công bằng, hành vi của ai tới đâu thì bị xử lý tới đó cũng phải được áp dụng y chang như khi xử lý hình sự.
Trở lại vụ Công an phường An Phú bị kiện, rõ ràng cái tính chất “đánh lộn” hiện diện rất rõ trong câu chuyện. Chính đại diện công an phường cũng nhìn nhận: T. thừa nhận có đánh K. và K. cũng có đánh T. Vậy thì hà cớ gì chỉ mỗi một mình anh K. bị xử phạt hành chính còn anh T. thì không? Chính điều này khiến cho ai nhìn vào cũng thấy dường như đã có sự thiên vị nào đó trong hành xử của công an. Có lẽ vì vậy mà dù số tiền phạt chỉ 2 triệu đồng nhưng anh K. vẫn cảm thấy ấm ức, không phục nên mới quyết theo kiện đến cùng.
Hy vọng bản án phúc thẩm tới đây sẽ xem xét thấu đáo vụ việc để có phán quyết công tâm, tránh một lần nữa tòa lại bị mang tiếng là thiên vị, là “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.