Chiều 31-8, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra ổ dịch cúm gia cầm H5N6, ngành chăn nuôi và thú y địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn gà trên 1.000 con của một hộ chăn nuôi tại xã Thành Thới B (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre).
Trước đó, vào ngày 27-8, đàn gà trên 1.000 con của hộ ông Mai Trọng Hữu (ở ấp An Trạch Tây, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam) có hiện tượng gà bị ủ rũ, bệnh cúm, sau đó chết hàng loạt. Ông Hữu liền báo với nhân viên thú y xã và ngành thú y huyện vụ việc. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm và kết quả đàn gà trên dương tính với virus H5N6.
Tiêu hủy đàn gàn cúm gia cầm H5N6. Ảnh minh họa
Theo ông Trần Quang Thái, đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Bến Tre. Hộ ông Hữu do mới chăn nuôi gà trong thời gian gần đây nên chưa có kinh nghiệm và không thực hiện tiêm phòng trên đàn gà nên xảy ra dịch bệnh.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, sau khi tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị nhiễm dịch cúm H5N6 tại hộ ông Hữu, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã tiến hành phun xịt hóa chất, tiêu độc, khử trùng chuồng trại tại khu vực này. Đồng thời, sắp tới ngành chăn nuôi và thú y tỉnh cũng thực hiện các giải pháp tiêm phòng cho đàn gà trên toàn xã nhằm thực hiện các giải pháp phòng chống kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng.
Theo đó, bệnh cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rus cúm type A (H5N6) gây ra, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút…, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi.
Để phòng, chống lây nhiễm cúm A/H5N6 từ gia cầm sang người, Bộ Y tế yêu cầu cơ quan thú y và chính quyền địa phương xử lý triệt để ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc, tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Với trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cần lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ.
Trước đó, vào năm 2018, tám chủng virus này được phát hiện trên gia cầm ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện chủng virus cúm A/H5N6 trên gia cầm.