Xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc theo kịch bản nào?

(PLO)- Tròn 2 năm kể từ ngày xung đột Nga-Ukraine bùng phát, liệu cuộc chiến này sẽ kết thúc theo kịch bản nào? Một thỏa thuận hòa bình hay một cuộc chiến tranh hạt nhân?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đã hai năm từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Tính đến nay, cuộc chiến đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời.

Trong hai năm qua, lực lượng hai bên đã có cả những bước tiến lẫn bước thụt lùi. Đối với Ukraine, binh sĩ nước này đã đẩy lùi quân Nga khỏi Kiev và miền bắc Ukraine, cũng như các chiến thắng sau đó tại tỉnh Kherson, Kharkiv. Tuy nhiên, chiến dịch phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái đã không đạt được kết quả như kỳ vọng khi chỉ giành được một số phần lãnh thổ nhỏ và tiền tuyến gần như đóng băng trong tình trạng chiến tranh tiêu hao.

Về phần Nga, dù không có chiến thắng nhanh chóng như các chuyên gia dự đoán hồi đầu cuộc chiến nhưng quân Moscow đã giành quyền kiểm soát TP Bakhmut (tỉnh Donetsk) vào tháng 5-2023 và mới đây là TP Avdiivka, nơi được mệnh danh là “cửa ngõ” vào Donetsk, khiến cuộc chiến ngày càng khó đoán.

Trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn, tờ Business Insider đã vạch ra một số kịch bản có thể kết thúc xung đột Nga-Ukraine và tính khả thi của các kịch bản này.

Ukraine tiếp tục cầm cự

Các chuyên gia cho rằng hy vọng của Ukraine trong việc kết thúc cuộc chiến ở thế chủ động phụ thuộc vào viện trợ từ phương Tây và sự suy giảm trong ý chí chiến đấu của binh sĩ Nga sau một cuộc chiến kéo dài.

Xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc theo kịch bản nào?
Binh sĩ Ukraine ở tỉnh Donetsk (vùng Donbass, miền đông Ukraine) trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Business Insider dẫn lời ông Max Bergmann - giám đốc các Chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rằng Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ quân sự và tài chính từ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Và nếu tiếp tục nhận được nguồn viện trợ này, lực lượng Kiev có thể được bố trí tốt để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.

Ông Bergmann chỉ ra rằng cuộc tranh luận đang diễn ra tại quốc hội Mỹ về gói viện trợ trị giá 60 tỉ USD cho Kiev sẽ là yếu tố then chốt trong việc định hình diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Nếu khoản tài trợ đó được thông qua, tôi không nghi ngờ gì rằng Ukraine sẽ hoàn toàn có thể ứng phó các cuộc tấn công của Nga trong năm 2024. Trên thực tế, tôi khá lạc quan về tiềm năng của Ukraine vào năm 2025” - ông Bergmann nói.

Thỏa thuận về gói viện trợ trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào tuần trước và sẽ được chuyển đến cho Hạ viện phê duyệt.

Ngoài các khoản viện trợ, phía Kiev cũng cho thấy một số chiến thắng đáng chú ý có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết cục xung đột Nga-Ukraine.

Chẳng hạn, trong trận chiến với Hạm đội Biển Đen của Nga, các quan chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã đánh chìm một số tàu chủ chốt của Moscow, bao gồm tàu ​​đổ bộ Caesar Kunikov và tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk.

“Những con tàu như vậy rất quan trọng đối với Nga vì chúng đại diện cho một trong những cách chính mà người Nga đưa đạn dược đến tiền tuyến ở miền nam Ukraine. Vì vậy, Ukraine đã thành công đáng kể trong một chiến dịch hàng hải” - GS Eliot A. Cohen tại CSIS nhận định.

Xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc theo kịch bản nào?
Tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk của Hải quân Nga. Ảnh: BUSINESS INSIDER

“Tôi không thấy phía Ukraine từ bỏ, bởi vì đây là một cuộc chiến mang tính sống còn đối với họ trong khi đây không phải là một cuộc chiến mang tính sống còn đối với Nga” - theo ông Cohen.

Một chiến thắng dành cho Nga

Dù thừa nhận những lợi thế của Kiev trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, GS Cohen lưu ý rằng quân Kiev cũng đã chịu tổn thất đáng kể về cả kho đạn dược cũng như số lượng binh sĩ.

Theo chuyên gia này, nếu viện trợ không tiếp tục đến Ukraine, điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lực lượng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cả về mặt quân sự và tâm lý.

Đồng quan điểm, chuyên gia Bergmann cho rằng nếu nguồn viện trợ của Ukraine suy giảm, một cuộc chiến tranh tiêu hao có thể phù hợp với Nga.

“Trong một cuộc chiến tiêu hao, nếu một bên bị tiêu hao đến mức cạn kiệt, mọi khả năng đều có thể xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc chuyển giao viện trợ là thực sự quan trọng” - ông Bergmann nhận định.

Cả hai chuyên gia đề cập sự thất bại bất ngờ của Đức trong Thế chiến I do phe đồng minh sử dụng chiến tranh tiêu hao như một lời cảnh báo cho Ukraine.

“Tôi nghĩ sự so sánh với Thế chiến I có thể có ý nghĩa. Không ai nghĩ rằng Thế chiến I sẽ kết thúc vào tháng 11-1918. Bạn biết đấy, vào tháng 9, thậm chí đến đầu tháng 10-1918, người ta còn đang lên kế hoạch cho các chiến dịch trong năm 1919. Tôi nghĩ điều gì đó tương tự có thể xảy ra trong trường hợp Nga-Ukraine ngày nay” - theo GS Cohen.

Một thỏa thuận hòa bình

Triển vọng về một thỏa thuận hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine vẫn là khả thi khi giới lãnh đạo Nga vẫn thường xuyên tuyên bố sẵn sàng hòa đàm với Ukraine, Mỹ và châu Âu nhưng vẫn sẽ bảo vệ lợi ích của Moscow.

Đầu tháng này, trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông “chưa bao giờ từ chối” đàm phán hòa bình với Tổng thống Zelensky.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố rằng Nga quyết tâm đạt các mục tiêu nhưng “sẽ tốt hơn nếu đạt được thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao”.

Về phần Ukraine, Kiev đến nay vẫn kiên trì với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky trong đó yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi có thể bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm kết thúc xung đột Nga-Ukraine.

Giữa năm ngoái, ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Moscow nếu Tổng thống Putin vẫn là nhà lãnh đạo của Nga.

Đầu năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm 2024, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi Thụy Sĩ tổ chức một hội nghị để thảo luận về kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông nhằm kết thúc xung đột Nga-Ukraine.

Theo dự kiến, hội nghị sẽ không có sự tham gia của Nga. Moscow đã phản đối hội nghị, cho rằng bất cứ hội nghị hòa bình nào về Ukraine sẽ là “vô nghĩa” nếu không có sự tham gia của Nga.

Từ những khác biệt còn tồn tại giữa hai bên, giới phân tích cho rằng hòa đàm cho xung đột Nga-Ukraine khó có thể được tổ chức trong năm nay.

Chiến tranh hạt nhân

Dù chiến tranh hạt nhân là một kịch bản nguy hiểm nhưng giới phân tích không loại bỏ kịch bản này sau những tuyên bố của Tổng thống Putin từ đầu xung đột Nga-Ukraine về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc theo kịch bản nào?
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga xuất hiện trong lễ duyệt binh kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moscow (Nga) hôm 9-5-2023. Ảnh: SPUTNIK

Chuyên gia Seth Jones - phó Chủ tịch cấp cao của CSIS - cho rằng có những rủi ro lớn liên quan việc sử dụng vũ khí hạt nhân và cũng sẽ có nguy cơ xảy ra bụi phóng xạ hạt nhân trên toàn lãnh thổ Nga nếu Moscow sử dụng loại vũ khí này.

Hồi tháng 7-2023, phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo về khả năng Nga “tấn công phủ đầu” phương Tây nếu Mỹ và đồng minh chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine.

Hôm 22-2, ông Medvedev cũng nói rằng việc các nước phương Tây gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine có thể kéo theo nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân, theo hãng thông tấn TASS.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo ở Moscow bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov,... đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga không có thay đổi trong học thuyết hạt nhân. Theo đó, Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả “việc sử dụng hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Nga hoặc các đồng minh”, cũng như “để đáp trả một cuộc tấn công thông thường đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga”.

Phương Tây đánh giá khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời điểm hiện tại là rất thấp, nhưng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và thận trọng trước nguy cơ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm