“Trong một trận đánh ác liệt tại Vị Xuyên, Hà Giang, 600 đồng đội của tôi đã hy sinh, hơn 1.000 đồng đội bị thương, chúng tôi những người còn sống đi chôn xác đồng đội. Tôi lấy từ túi áo của một đồng đội bức thư viết dở, chỉ với ba chữ “Mẹ kính yêu”. Bức thư nhuộm máu, nhòe mực”, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể.
“Tôi nghẹn ngào nghĩ về mình, về mẹ của đồng đội”, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể tiếp. Mặc dù lá thư chúng tôi viết không được gửi về hậu phương nhưng vẫn viết, vẫn gửi. Tôi viết tiếp bức thư cho anh em bằng những khúc hát, không có đèn, điện, không giấy, không bút, không đàn…
Nhạc sĩ Trương Quý Hải phiêu linh với ca khúc “Thư gửi mẹ”.
Nói về lịch sử, nhạc sĩ Trương Quý Hải cho rằng dù chưa được in sách hay truyền đạt rộng rãi, thì lịch sử về cuộc chiến biên giới vẫn có cách truyền đạt. “Những lời thì thầm của người còn sống, nói thay cho người đã chết. Lịch sử đất Việt có thể tồn tại trong tim người Việt mà không cần ghi chép” - nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm sự.
“Những trang sử được viết bằng máu hòa trộn với tâm hồn của người Việt sẽ tạo nên sức mạnh. Bất cứ cuộc chiến nào cũng có sức mạnh linh thiêng, vì đó là xương máu của tiền bối” - nhạc sĩ Trương Quý Hải nói.
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành (Học viện Quốc phòng), người đã nêu ý kiến về việc phải đưa cuộc chiến biên giới vào sách giáo khoa mà Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải vào dịp 17-2 vừa qua.