Em liền báo với nhà trường và cùng các bạn chuẩn bị chỉ trong một ngày để lồng trong giờ chào cờ”. Lời chia sẻ của em Nguyễn Ngọc Quốc Bảo, lớp trưởng lớp 10 - Gạc Ma Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) khi nói về ý tưởng tổ chức lễ kỷ niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma khiến người viết xúc động đến lạ. Xúc động bởi suy nghĩ đầy trách nhiệm của những học sinh lớp 10 này, các em đã biết tự nhắc nhở mình trước biến cố lịch sử 14-3-1988. Có lẽ đó cũng là một phần thành quả từ ý tưởng đặt tên lớp theo tên các hòn đảo mà nhà trường đã thực hiện từ tháng 11-2015 vừa qua.
Từ ý tưởng đó, giờ chào cờ đầu tuần trở nên thiêng liêng khi hơn 500 thầy trò của trường cùng trong trang phục hải quân cúi mình tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo trước sự xâm lược của Trung Quốc. Rồi sân trường như lắng xuống khi kết thúc bài nói chuyện của mình, thầy hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu gửi gắm: “Ngày hôm nay không chỉ giúp các em biết thêm về lịch sử, về biển, đảo thiêng liêng mà nó còn nhắc thầy trò chúng ta sẽ không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân để bảo vệ đảo, bảo vệ Tổ quốc trước quân xâm lược. Nó cũng nhắc các em hãy không ngừng nỗ lực học tập để xứng đáng với sự hy sinh đó và nối tiếp truyền thống hào hùng ấy để bảo vệ biển, đảo của chúng ta”.
Trước đó, thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên dạy văn Trường THPT An Thới ở tận đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cũng làm rung động hàng triệu trái tim người đọc. Khi trong ngày 17-2 vừa qua, thầy Khánh đã tự tổ chức cho học sinh mặc niệm tưởng nhớ đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Việc làm của thầy Khánh lập tức nhận được sự đồng tình của mọi người và được chia sẻ một cách nhanh chóng trên mạng xã hội. Bởi đây chính là hành động thật sự có ý nghĩa, nhắc nhớ cụ thể, sâu sắc nhất, mang tính giáo dục nhất... dành cho những người trẻ.
Các em cần được học về lịch sử như thế. Đó không phải là những bài học thuộc lòng mà học sinh phải cố gắng nhồi nhét, không chỉ thụ động tiếp nhận thông tin từ sách vở mà là giáo dục bằng những hành động cụ thể. Giáo dục để các em biết về lịch sử là cần thiết và sẽ càng giá trị hơn khi từ đó các em biết nhận ra được trách nhiệm của mình, tự nhắc nhở mình có thái độ đúng đối với lịch sử.