Hôm qua (30-8), sau một ngày xét xử, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Bá Mai và không chấp nhận kháng nghị tăng án của viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước. Tòa tuyên phạt Lê Bá Mai tù chung thân về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em.
Tại tòa, bị cáo Mai tiếp tục kêu oan và cho rằng trước đó mình bị ép cung nên nhận tội. Có ba luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai là luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người Nghèo) và luật sư Huỳnh Thế Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Đặc biệt, đến dự phiên tòa có bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, người từng gửi thư đến Chủ tịch nước xin hoãn thi hành án tử hình bị cáo Lê Bá Mai vì chứng cứ kết tội quá yếu.
Bị cáo Lê Bá Mai. Ảnh: HỒNG TÚ
Luật sư: Thấy đúng là Mai sao không khai ngay?
Tại tòa, cả HĐXX, công tố viên và luật sư đều tập trung làm rõ lời khai của các nhân chứng về chi tiết quan trọng của vụ án: Ai là người chở nạn nhân Út đi vào sáng 12-11-2004? Bởi trong lời khai đầu tiên (ngày 15-11-2004), nhân chứng Hằng (khi ấy mới chín tuổi) khai thấy một thanh niên đầu quấn khăn, đội nón lá, đi xe máy, mang bình xịt, bình nước đá màu đỏ chở Út đi. Trong đơn trình báo cùng ngày, ông Điểu Ky, cha cháu Hằng, cũng nêu nhân dạng người thanh niên chừng đó, theo lời kể của cháu Hằng. Nhưng ngay sau khi Mai bị bắt, nhân chứng Hằng và ông Điểu Ky bắt đầu thay đổi lời khai, từ “thấy người thanh niên” đến “người thanh niên giống Mai” và cuối cùng là “người thanh niên chở Út đi là Mai”.
Luật sư Trịnh Thanh cho rằng trong toàn bộ vụ án này chỉ có Hằng là nhân chứng trực tiếp và duy nhất thấy người đã chở Út đi. Thế nhưng lời khai ban đầu của Hằng chỉ khai người chở Út đi là một thanh niên. Điều này được chính ông Sinh lặp lại trong một bản khai khác, ở đó ông thừa nhận lúc đầu Hằng chỉ nói là “một người thanh niên” chứ không nói đó là Mai. “Nếu Hằng thật sự thấy Mai thì phải nói đó là Mai chứ sao lại nói là một người thanh niên?” - luật sư Thanh nói.
Tuy nhiên, công tố viên lại cho rằng ngay trong buổi tối Út mất tích, ông Điểu Cẩn (cha Út) và ông Điểu Ky (cha Hằng) có đến trang trại nơi Mai làm để hỏi thăm Mai về Út. “Nếu như Hằng không xác định đó là Mai và không nói cho người nhà biết người thanh niên đó là Mai thì sao người nhà lại chỉ qua hỏi Mai mà không phải ai khác?” - công tố viên đặt vấn đề.
Đáp lại, luật sư Thanh nói khu vực trang trại rất vắng nhà và ít người, người nhà biết việc Hằng và Út mót củ sắn ở trang trại ông Tuân nên qua trang trại hỏi thăm là điều rất bình thường. Vả lại, việc hỏi này rất sơ sài, qua loa, không hề có sự ám chỉ chính Mai là người chở Út đi.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm phân tích thêm: “Lời khai ban đầu của cháu Hằng là thấy một thanh niên chở Út đi, sau đó ông Sinh cho rằng không ghi rõ là Mai vì có sự mâu thuẫn với ông Tuân. Đây là sự sắp đặt khéo léo chứ không phải là sự thật, không phải là lời khai của cháu Hằng mà là sự mong muốn của ông Sinh. Nếu nhận thức việc ghi Mai sẽ dẫn đến người khác trả thù thì sao ông Sinh không từ chối lập hồ sơ ngay từ đầu?”.
Luật sư Trịnh Thanh chỉ ra những bất hợp lý đối với sơ đồ hiện trường. Ảnh: HỒNG TÚ
Viện và tòa: Bị cáo là hung thủ
Luật sư Trịnh Thanh nói đa số các chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được đều mâu thuẫn. Nếu đối chiếu các chứng cứ có trong hồ sơ với lời khai nhận tội của Mai có rất nhiều điều vô lý, không đúng thực tế, giống như Mai khai bừa.
“Biên bản lời khai ghi khi đi Út đang ăn củ sắn và tại hiện trường có thu được một củ sắn đang ăn dở. Thế nhưng khám nghiệm tử thi thì trong bao tử của nạn nhân không có chất nào là thành phần của củ sắn. Sự việc được phát hiện sau năm ngày nhưng củ sắn thu được tại hiện trường vừa mới, vừa trắng như vừa mới ăn” - luật sư Thanh nói.
Bổ sung, luật sư Tân cho rằng có hàng loạt biên bản lời khai cho thấy thời gian lập biên bản trùng nhau hoặc cách nhau không lâu trong khi địa điểm để lập các biên bản này lại cách xa nhau đến 5 km. Luật sư cho rằng hoặc đây là sự dàn dựng cho đủ trong hồ sơ hoặc điều tra viên, nhân chứng và cả bị cáo có thể “đi mây về gió”. Ngoài ra, luật sư Tân chỉ ra dấu dép (của hung thủ) tại hiện trường có hình sin, trong khi đôi dép mà cơ quan tố tụng thu giữ của Mai đế dép có hình caro…
Tuy nhiên, công tố viên cho rằng mặc dù có nhiều mâu thuẫn, vi phạm tố tụng nhưng lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của nhân chứng, phù hợp với các biên bản hiện trường, biên bản thực nghiệm, sơ đồ hiện trường… Bị cáo khai bị hại có cầm củ sắn ăn dở, khám nghiệm hiện trường thu được củ sắn ăn dở. Bị cáo khai nạn nhân nằm trên cây khoai mì nên bị cáo nhổ đi, khám nghiệm hiện trường có cây khoai mì bị nhổ gốc đang héo. Bị cáo khai người bị hại không mặc quần lót, khám nghiệm tử thi người bị hại không mặc quần lót…
Từ đó, công tố viên khẳng định đủ cơ sở để kết luận chính bị cáo là hung thủ và đề nghị HĐXX tuyên phạt tử hình bị cáo.
Chứng cứ buộc tội và gỡ tội đều có
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định bị cáo Lê Bá Mai có rất nhiều chứng cứ buộc tội và một số chứng cứ gỡ tội. Phân tích và đối chiếu toàn bộ chứng cứ cũng như nội dung tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX xét thấy tại phiên tòa, bị cáo khai không nhớ và nhớ không rõ sự việc xảy ra vào ngày 12-11-2004. Trong quá trình điều tra, bị cáo có những lời khai thừa nhận cũng như phủ nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm có những căn cứ để kết luận như sau:
Một là, quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng như quá trình tạm giam, tình trạng sức khỏe của Mai thể hiện bình thường. Các biên bản lời khai của bị cáo dù nhận tội hay không nhận tội đều có sự chứng kiến của luật sư. Khi ký nhận cáo trạng, Mai cũng không kêu oan… Hai là, dù Mai có lúc kêu oan nhưng lại không phủ nhận việc bản thân có mặt gần nơi xảy ra vụ án trong thời gian xảy ra vụ án.
Về lời khai của nhân chứng Hằng, cháu khai khi còn quá nhỏ, có một số chi tiết không nhớ rõ và nhận định không chính xác về quần áo của Mai. Lời khai ban đầu của cháu chỉ khai rằng đó là một người thanh niên mặc áo màu xanh, quần đen và những lần sau đó khẳng định người thanh niên đó là Mai. Sau khi xem xét tính xác thực lời khai này, đối chiếu với thực tế vụ án, HĐXX nhận thấy lời khai của Hằng là đúng… Đồng thời, nhiều lời khai nhận tội của Mai phù hợp với khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, với người làm chứng, biên bản thực nghiệm điều tra tại hiện trường…
Từ đó, tòa cho rằng việc bị cáo kêu oan là không có căn cứ. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo án chung thân là có căn cứ, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo.
Hai lần bị tuyên án tử, một lần trắng án Vụ án được tóm tắt như sau: Hơn 9 giờ ngày 12-11-2004, cháu Út (12 tuổi) và cháu Hằng (chín tuổi) đang mót củ đậu (củ sắn) trong khu vực trang trại ông Dương Bá Tuân ở xã An Khương (Hớn Quản, Bình Phước) thì có người tới chở Út đi đâu đó. Mãi đến ngày 15-11 gia đình Út mới đi báo công an xã. Đến trưa 16-11 thì người nhà phát hiện xác cháu Út nằm trong khu vực vườn mít của trang trại ông Tuân. Ngay sau đó, Mai bị bắt.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu đang chăm chú theo dõi phiên tòa. Ảnh: HỒNG TÚ Ở hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần đầu, bị cáo Mai bị tuyên án tử hình. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy hai bản án này theo kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao. Tại phiên sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo không phạm tội, sau đó bị cấp phúc thẩm hủy án. Đến phiên sơ thẩm lần ba, TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên bị cáo có tội nhưng thay vì tuyên tử hình bị cáo, tòa này lại tuyên mức án chung thân. Bản án này bị VKS cùng cấp kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt, đồng thời bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan. |
HỒNG TÚ - PHAN THƯƠNG