Yên tâm đi biển vì có bộ đội hải quân

Sáng 4-4, tại cảng Cát Lở phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hàng trăm chiếc ghe đang gấp rút công đoạn chuẩn bị như nhập đá lạnh, một số ghe các tổ chức ăn tết Đoan Ngọ sớm để sáng Chủ nhật 5-6 ra khơi.

Ông Phạm Văn E (thường gọi là Tư E), chủ ghe VT-2953TS, đang chuẩn bị đồ cúng ăn tết Đoan Ngọ sớm để đi biển, cho biết: “Gia đình tôi, dòng họ tôi đã gắn bó với nghề biển nhiều năm nay, nếu bây giờ không đi biển thì không biết lấy gì sinh sống. Đi biển, gặp tàu Trung Quốc thì cũng nhiều lần. Chúng tôi thường xuyên đánh bắt xa bờ và gần các nhà giàn DK1 để nếu có tình huống bất trắc thì nhanh chóng cơ động đến nhà giàn nhờ bộ đội hải quân giúp đỡ”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Hội trưởng Hội Tàu đánh bắt xa bờ Cát Lở, cũng cho hay: “Chúng tôi ra khơi được an toàn là nhờ có bộ đội hải quân. Rất nhiều chuyến biển gặp phải tàu Trung Quốc, song chúng tôi không sợ vì chúng tôi đánh bắt bao giờ cũng gần đảo của bộ đội hải quân ta. Khi bị tàu nước ngoài uy hiếp, chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc với bộ đội hải quân, biên phòng và đều được các anh giúp đỡ. Hiện nay, nước ngoài đưa ra lệnh cấm đánh cá trên khu vực biển Đông, đây là lệnh cấm rất phi lý song chúng tôi không sợ, chúng tôi vẫn sẵn sàng ra khơi”.

Theo Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên khung quản lý DK1 Vùng 2 Hải quân, trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của tổ quốc luôn có các lực lượng bộ đội hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình. “Chúng tôi xác định bảo vệ ngư dân làm ăn trên biển không tách rời nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của tổ quốc. Lúc nào bộ đội hải quân cũng bên cạnh ngư dân, sẵn sàng bảo vệ, ứng cứu, giúp đỡ. Đối với chiến sĩ nhà giàn DK1, bảo vệ ngư dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh. Sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển, đảo của nước ta không chỉ là mưu sinh mà còn là sự khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam” - Trung tá Dĩnh nhấn mạnh.

MAI TUẤN CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm