Bi kịch chỉ ở chỗ một bên muốn rút, còn bên kia vẫn muốn giữ. Người hiểu biết thì chấp nhận nhưng những thanh niên trẻ, ít học thường chỉ có một cảm giác là bị phản
Tình yêu khỏe mạnh là như thế nào?
Tôi tạm hiểu chữ “cuồng” trong “yêu cuồng” mà thời gian gần đây báo chí hay dùng có hàm ý rằng đó là một kiểu tình yêu dại dột và sẵn sàng gây hại cho người mình yêu khi người đó không đáp ứng theo những đòi hỏi và mong đợi của mình. Vụ án ở Bình Phước quá nghiêm trọng nên gây nhiều sự chú ý, nhưng những sự việc như thế này không phải là hiếm gặp trong xã hội của chúng ta. Không phải chỉ đến lúc có án mạng mới đáng báo động mà lẽ ra chúng ta đã phải nhìn thấy những dấu hiệu yêu nhưng gây hại này từ những điều nhỏ nhặt. Ví dụ bắt ép người mình yêu phải từ bỏ cuộc sống và những hứng thú của cá nhân để phục vụ cho những hứng thú và mong đợi của bản thân. Tuy nhiên, ý kiến của tôi ở đây không nói về trường hợp ở Bình Phước vì nghi phạm vẫn còn trong quá trình điều tra.
Nhà tâm lý học người Mỹ Sternberg đã nêu ra lý thuyết gọi là Tam giác tình yêu, trong đó có phân tích rằng tình yêu cuồng dại (infatuation) là một dạng mối quan hệ mà trong đó chỉ tồn tại khía cạnh “Đam mê”, có tính chất cuồng si, mê đắm. Và như vậy nó có nghĩa là còn thiếu hai yếu tố quan trọng nữa là Sự thân tình (tôn trọng, quan tâm) và Sự cam kết (Tự nguyện gắn bó lâu dài với nhau, cùng nhau giải quyết các trở ngại).
Tình yêu cuồng dại thường có tính mù quáng, hiểu một cách đơn giản là khi có chuyện thì có thể yếu tố tham lam và mê đắm làm cho một cá nhân không còn kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình nữa. Đó là chưa kể các yếu tố khác gây ảnh hưởng như lòng tham tiền của, sự kích động của bạn bè…
Mặc khác, phải nhìn thấy những hành vi bạo lực và có yếu tố gây án mạng như nhiều trường hợp có liên quan đến sự không khỏe mạnh trong đời sống tâm lý/ tâm thần của người thủ ác.
Dấu hiệu cuồng yêu
Chúng ta chỉ có thể nhận diện được những dấu hiệu không ổn nơi người mình yêu khi tỉnh táo và hiểu biết về bản chất thật sự của một tình yêu khỏe mạnh. Các bạn trẻ cần hiểu rằng một tình yêu khỏe mạnh phải hội đủ 3 yếu tố: thân tình - đam mê và cam kết. Như vậy, nếu bạn quen biết với một đối tượng mà họ thể hiện sự không tôn trọng, không quan tâm, hoặc thường giải quyết các mâu thuẫn nhỏ bằng cách gây hấn thì nên đặt câu hỏi ngay.
Thông thường các vụ án mạng về cuồng yêu không phải là đột ngột mà nó là đỉnh điểm của một mối quan hệ không khỏe mạnh. Trong những lúc gặp nhau, bạn chỉ thấy người kia quan tâm đến việc thể hiện dục vọng và ham muốn mà thiếu sự tôn trọng, thiếu sự bàn bạc trao đổi thì cần phải lưu tâm ngay.
Mở rộng vấn đề, bạn có thể chú ý đến những gì diễn ra quanh cuộc sống của người mình yêu, bạn bè gia đình họ. Ngay cả khi người ấy bạo lực để bảo vệ mình thì cũng phải thấy người ấy cũng có thể làm y như vậy với mình.
Dù vậy, yếu tố bản thân cũng rất quan trọng. Nếu người này chấp nhận hoặc thích thú một người khác chỉ vì ở đó người ta tìm thấy sự chiều chuộng, vuốt ve – điều mà họ đang thiếu, thì chính họ đã có một sự không khỏe mạnh rồi.
Kỹ năng rút lui an toàn
Trong các buổi huấn luyện người trẻ về tình yêu tại tổ chức của chúng tôi (WE Link), không có nhiều bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu xem tình yêu khỏe mạnh là như thế nào, họ chỉ đơn giản đón nhận và bước vào mối quan hệ tình yêu theo một hướng dạng như bản năng, thậm chí còn có những quan niệm sai lệch. Chẳng hạn, yêu vì mình muốn gì thì cũng được đáp ứng, muốn sở hữu, sai bảo, hay người đó… đẹp.
Nói lời từ chối chẳng hề dễ dàng, nhưng nó rất tốt nếu bạn thật sự nhận ra mối quan hệ của mình không tốt, không khỏe, không ổn. Hãy nói chuyện với người kia, phân tích bằng lời lẽ nhẹ nhàng. Sự si mê khi không được đáp ứng có thể tạo ra nỗi hận thù, và không còn kiểm soát bản thân nữa.
Nguyên tắc căn bản, đừng bao giờ xúc phạm hạ nhục hay thách thức người mình yêu khi muốn chia tay. Thậm chí bạn có thể giữ một chừng mực nào đó về sự quan tâm dù vẫn chắc chắn sẽ không yêu đương nữa.
Và tôi cho rằng khi chia tay việc chú ý phòng thân là điều quan trọng. Bạn có thể nói rõ ràng với những người trong gia đình của mình, thậm chí với công an hoặc cơ quan chức năng nếu cần thiết.
Vượt qua khi bị phản bội
Tình yêu là tự nguyện, có vô vàn lý do để yêu nhau thì cũng có vô vàn lý do để chia tay. Không phải cứ người nào nói lời chia tay thì là người đó phản bội. Khi mối quan hệ bắt đầu có trục trặc mà không thể ngồi lại giải quyết một cách ôn hòa thì khả năng người kia dừng lại hoặc yêu một người khác là hoàn toàn có thể. Để tránh hận thù hoặc để thuận tiện cho việc chấp nhận khi người kia nói lời chia tay, chúng ta phải thật sự hiểu biết về tình yêu và đồng thời phải học được thái độ tôn trọng quyền sống và quyền tự quyết của người khác.
Nếu bạn thật sự muốn người kia yêu mình, cách tốt nhất là làm cho mình trở nên xứng đáng. Không loại trừ khả năng cách thức và mong đợi của người kia là vô lý, là xúc phạm nhưng bạn không có quyền để yêu cầu người khác thay đổi quan điểm theo bạn.
Ngô Minh Uy
Chuyên viên tham vấn tâm lý
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp WE Link