Yêu và ghét

Điều này ở góc độ nào đó cũng đúng thật vì có quá nhiều lời tâng bốc thái quá. Riêng tôi lại nhìn ở một góc độ: Cầu thủ HA Gia Lai cũng như bao cầu thủ khác.

Xuất thân những cầu thủ học viện này là những em nhỏ trưởng thành qua bóng đá từ những vùng quê nghèo khó, nếu không muốn nói khác đi là tìm đến bóng đá để thoát nghèo, đổi đời. Nếu ai đó “dị ứng” với những em nhỏ này thì có lẽ nên nhìn lại mình vì các em không làm điều gì thái quá. Các em chẳng mắc bệnh ngôi sao, chẳng phải những đứa trẻ đá bóng tinh tướng, ta đây là cầu thủ học viện.

Là cầu thủ, là người của công chúng thì tất nhiên phải tập làm quen với áp lực, với thị phi để trưởng thành. Nhưng hiện nay các em đang có vẻ như một “vật hiến tế”, là mục tiêu của những ý nghĩ khác nhau, những thái cực khác nhau mà chẳng phải các em tạo ra mà chính là do “khủng hoảng truyền thông” mang lại.

Phải công nhận rằng lứa cầu thủ trẻ của bầu Đức đang cứu rỗi nền bóng đá khi khán giả đã quá nguội lạnh với tình trạng bóng đá xấu xí ở Việt Nam. Đội trẻ này còn là liều thuốc kích thích lòng tự ái của các đồng nghiệp ở nhiều CLB và của đội tuyển quốc gia đàn anh nữa.

Có điều nghịch lý khi HA Gia Lai “đá đâu thua đó” vẫn có một sức hút mãnh liệt. Thật buồn cười trên sân thì nhóm cầu thủ học viện là mục tiêu triệt hạ với những pha vào bóng đầy ác ý pha lẫn sự ghen tị. Có lạ lùng không khi đội này thường thua nhưng khi tàn cuộc, họ ra về thì hàng ngàn khán giả lại săn đón như những ngôi sao nước ngoài, bỏ mặc đội thắng cuộc?

Ai cũng thấy đội trẻ HA Gia Lai còn được ghép vào hạng “kèo thơm”. Tức là đội đi đến đâu thì chủ sân hốt bạc nhờ cháy vé. Đối thủ đá căng với họ thì rất dễ có trọn 3 điểm trong tay.

Thật tội nghiệp các em mỗi lần ra sân “cày bừa” hơn 100% sức lực để kiếm điểm lại trở thành mục tiêu “đốn củi” của những “sát thủ” đối phương.

Thử nghĩ xem, nếu thầy trò Guillaume không chơi bóng thì V-League mùa này có gì vui?

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm