Ngày 3-3, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau, có lý giải về việc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (công ty) khai thác khoảng 80.000 m3 cát tại dự án Khu du lịch Khai Long thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển khi chưa lập thủ tục đăng ký.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 6-12, bộ đội biên phòng quản lý địa bàn phát hiện công ty khai thác 80.000 m3 cát không có giấy tờ hợp lệ. Ngày 10-12-2016, Biên phòng tỉnh Cà Mau có báo cáo đề nghị chủ tịch tỉnh xử phạt hành chính công ty về hành vi khai thác khoáng sản trái luật.
Sau đó, Sở TN&MT có kết luận kiểm tra việc này, xác định công ty khai thác khoảng 35.000 m3 cát khi chưa đủ thủ tục hợp pháp. Tuy nhiên, sau đó Sở đề xuất không xử phạt và UBND tỉnh Cà Mau đồng tình với đề xuất của sở này.
Theo ông Lên, công ty khai thác cát nằm trong phạm vi diện tích đất của dự án bờ kè chống sạt lở kết hợp du lịch và chỉ phục vụ cho công trình này. Việc khai thác và sử dụng như vậy là phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 (khoản 2 Điều 64) nhưng công ty chưa đăng ký kế hoạch khai thác với tỉnh là đã vi phạm vào Nghị định 142/2013 của Chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (khoản 2 Điều 34).
Hiện trường vụ bơm cát khi chưa lập thủ tục đăng ký. Ảnh: TV
Tuy nhiên, công trình bờ kè mang tính khẩn cấp để phòng, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ đất đai và rừng phòng hộ ven biển nên sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, công ty vừa triển khai thi công, vừa lập dự án và các thủ tục nên Sở đề xuất UBND tỉnh không xử phạt. Nếu công ty đăng ký, đương nhiên được khai thác theo quy định của pháp luật.
Xét mức độ vi phạm là không lớn so với lợi ích mà công trình mang lại. Cạnh đó, khi kiểm tra, công ty đã dừng hoạt động để lập thủ tục đăng ký khai thác nên Sở đề xuất như trên.
Tại cuộc họp ngày 28-12-2016, lãnh đạo UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Sở, yêu cầu công ty khẩn trương lập hồ sơ đăng ký khai thác cát và sau đó đã được chấp thuận.
“Ở đây chúng tôi đã xem xét, cân nhắc về tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm so với những lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường mà dự án mang lại, đồng thời có xem xét về mặt khách quan, chủ quan của hành vi vi phạm nên đề xuất như trên và tỉnh thống nhất” - ông Lên nói.
• Như chúng tôi đã thông tin, tháng 3-2016, công ty tặng tỉnh Cà Mau hai xe Lexus có giá xuất hóa đơn hơn 6 tỉ đồng. Đến chiều 3-3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết tỉnh Cà Mau đã trả hai xe này lại cho công ty.
• Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản khi khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh. • Phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh... (Theo Luật Khoáng sản và Nghị định 142/2013/NĐ-CP) |