CHUYÊN VIÊN ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY HÒA BÌNH:

“Cắm” thẻ đảng vay tiền rồi bỏ trốn

Chưa hết, với cái “oai” chuyên viên UBKTTU, Nguyễn Thị Bích Anh cũng đã vay của bà Lê Thị Phương, chủ cửa hàng vật liệu sắt thép Hải Phương gần 600 triệu đồng. Nhưng, đây chưa phải là con số cuối cùng…
 
Tại ngôi nhà số 47, tổ 8, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình (Hòa Bình), vợ chồng ông bà Đỗ Bằng Việt, Phạm Thị Tâm tiếp phóng viên trong tâm trạng vô cùng bức xúc. “Cô ta “cắm” cả Thẻ đảng viên lại làm tin thì còn gì phải nghi ngờ”, ông Việt nói. Còn bà Tâm cho biết: “Nhà này sắp thành nhà của người khác rồi. Ngân hàng cho ở ngày nào thì biết ngày đấy. Họ phát mại thì mất nhà”.
 
Theo bà Tâm, vào đầu năm 2008, ở Hòa Bình rộ lên phong trào thu gom sổ đỏ “chạy” lập dự án trồng rừng.
 
Một hôm, Bích Anh đến nhà ông bà đặt vấn đề vay tiền để “chạy” dự án trồng rừng với viễn cảnh thật hấp dẫn. Bích Anh nói: “Chúng em đang triển khai dự án trên địa bàn toàn tỉnh, có nguồn vốn vay từ nước ngoài. Trước mắt, em cần một khoản tiền để làm thủ tục xin vay. Em là cán bộ Nhà nước, đang công tác nên việc đi vay tiền không tiện, em nhờ chị vay giúp, lãi suất 2%/tháng. Em hứa chỉ sau 1 - 2 tháng, khi có tiền dự án em sẽ thanh toán trả cho chị ngay”. Bích Anh còn nói rất nhiều về dự án trồng rừng và những công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mà mình đã, đang và sẽ trúng thầu.
 
Để “đánh gục” sự nghi ngờ của bà Tâm, ông Việt, Bích Anh hứa: “Khi được cấp vốn số tiền là hàng trăm tỷ đồng để triển khai dự án trồng rừng, lúc đó chị cần vay bao nhiêu em cũng cho vay được. Vì đây là vốn ưu đãi nên lãi suất thấp”. Sau đó, Nguyễn Thị Bích Anh mở túi lấy ra 2 tấm thẻ đảng viên đặt lên bàn, trước mặt vợ chồng ông, bà Việt - Tâm rồi nói: “Em xin lấy danh dự là đảng viên, em để lại làm tin thẻ đảng viên cho chị (bà Tâm)”.
 
Bà Phạm Thị Tâm đưa cho phóng viên xem 2 tấm thẻ đảng viên của Bích Anh. Một thẻ số 3355989, cấp ngày 19/5/2002, cấp tại Hòa Bình và thẻ đảng viên số 10.024368, cấp ngày 2/9/2004. Cả 2 thẻ đều mang tên Nguyễn Thị Bích Anh, sinh ngày 26/8/1964, quê quán xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vào Đảng ngày 5/5/2000, chính thức ngày 5/5/2001, nơi cấp thẻ Đảng bộ tỉnh Hòa Bình. Bà Tâm nói: “Cô Bích Anh là chỗ thân tình của gia đình, lại là cán bộ của UBKTTU nên vợ chồng tôi rất tin tưởng. Hai vợ chồng huy động tất cả số tiền tích cóp, tiết kiệm dành dụm được của gia đình rồi cắm sổ đỏ và ngôi nhà này để vay tiền ngân hàng. Ngoài ra, còn vay thêm của anh em họ mạc, bạn bè, tất cả được 6.413.000.000 đồng. Ngày 28/4/2008, vợ chồng tôi giao số tiền trên cho cô Bích Anh vay”. Thế rồi, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng… không thấy Bích Anh trả tiền, vợ chồng ông, bà Việt - Tâm tìm gặp Bích Anh thì đều được hứa rất “ngọt ngào” và viết giấy khất nợ, giấy cam kết trả nợ.
 
Biết đã bị lừa vì những lần đến UBKTTU, ông, bà Việt - Tâm gặp khá nhiều người trên địa bàn TP Hòa Bình đến hỏi nợ Bích Anh. Tháng 12/2009, ông, bà Việt - Tâm đã làm đơn tố cáo Nguyễn Thị Bích Anh gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an. Tháng 4/2010, ông, bà Việt - Tâm làm đơn tố cáo Bích Anh về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân gửi UBKTTU Hòa Bình. Ông Đỗ Bằng Việt cho biết: Sau khi gửi đơn, gia đình đã nhiều lần đến UBKTTU tìm gặp Bích Anh nhưng không gặp được. Hỏi ra mới biết Nguyễn Thị Bích Anh đã bỏ trốn khỏi cơ quan và địa bàn cư trú mấy tháng nay.
 
Quá bức xúc, ngày 2/6/2010, bà Phạm Thị Tâm đứng tên đã viết “Đơn tố cáo về việc lợi dụng uy tín là cán bộ, đảng viên của UBKTTU Hòa Bình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân và bỏ trốn khỏi địa phương cư trú của Nguyễn Thị Bích Anh”, gửi lãnh đạo UBKT Trung ương Đảng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình… Ông, bà Việt - Tâm bức xúc: “Cô Bích Anh không hề lo lắng, sợ sệt với cái tội đã gây ra. Ngược lại, cô ta còn thách thức rằng, cô ta không cần Đảng, không cần làm việc nữa. Vậy mà, UBKTTU Hòa Bình vẫn không xử lý kỷ luật cả về Đảng và chính quyền. Hiện nay, Nguyễn Thị Bích Anh đi đâu, ở đâu hỏi không ai biết”.

Bà Lê Thị Phương, chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng Hải Phương, đường Trần Hưng Đạo, TP Hòa Bình có phần may mắn hơn gia đình ông, bà Việt - Tâm. Bà Phương nói: “Mấy năm trước, cô Bích Anh thỉnh thoảng có đến cửa hàng mua chịu sắt, xi măng cho một vài chủ thầu để xây dựng công trình. Vài lần đầu giá trị không nhiều nên cô Anh chỉ chịu vài tháng, lâu thì một năm là thanh toán. Đầu năm 2007, Bích Anh đến cửa hàng lấy tiếp sắt, xi măng với giá trị gần 600 triệu đồng. Lấy vật liệu rồi cô Bích Anh không đến cửa hàng nữa”. Nhiều lần bà Phương đến cơ quan gặp Bích Anh đòi nợ thì Bích Anh viết giấy khất nợ, giấy xin gia hạn nợ. Giấy xin gia hạn nợ cuối cùng là ngày 20/11/2009. “Cô ta cứ đưa ra cái danh cán bộ UBKTTU để lấy lòng tin. Mà cũng đúng. Sao lại không tin khi người mua hàng là cán bộ của cơ quan UBKTTU”.
 
Bà Phương đã đến gặp lãnh đạo UBKTTU, nhưng không thấy cơ quan có biện pháp gì can thiệp, giúp đỡ. Nay, Bích Anh đã bỏ trốn khỏi cơ quan, món nợ gần 600 triệu đồng hàng tháng bà Phương vẫn phải trả lãi NH. Còn đối tượng lừa đảo thì vẫn ung dung sống mà không hề bị bất cứ hình thức kỷ luật nào.
 
Tuy nhiên, qua điều tra, phóng viên còn nắm được Nguyễn Thị Bích Anh không chỉ là con nợ của bà Lê Thị Phương, ông bà Việt - Tâm mà còn nợ nhiều người khác ở TP Hòa Bình. Và số tiền không phải chỉ dừng lại ở con số hơn 7 tỷ đồng.     

Theo báo Thanh Tra

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm