Thu hồi “giá trị” là sai!

Án tuyên thu hồi số tiền đầu tư, tòa lại giải thích thành thu hồi giá trị số tiền đầu tư...

Kỳ này, chúng tôi giới thiệu tiếp ý kiến của một số luật sư từng tham gia và nắm rất rõ vụ án này.

Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Liên Khui Thìn):

Tòa giải thích sai

Tôi thấy nội dung bản án “Giao cho Công ty Epco thu hồi số tiền Liên Khui Thìn đầu tư trên các sở đất ở quận 2 và quận 9 (TP.HCM) để trả nợ cho ICBV-HCMC” là có căn cứ. Bản án đã xác định giao dịch giữa các hộ dân với Công ty Epco là vô hiệu theo pháp luật dân sự tại thời điểm đó. Về nguyên tắc, giao dịch vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì mình tham gia giao dịch, có nghĩa là tòa tuyên “thu hồi số tiền đầu tư” ban đầu là chính xác. Vì thế, việc sau này tòa giải thích rằng phải “thu hồi giá trị đầu tư” là sai.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho Tăng Minh Phụng):

Làm thay đổi bản chất

Án tuyên “thu hồi số tiền đầu tư” thì rõ ràng số tiền này đã được ấn định bằng đúng số tiền ban đầu Liên Khui Thìn đầu tư vào các lô đất. Số tiền Thìn đầu tư ban đầu hoàn toàn xác định được (sổ sách chứng từ, hồ sơ vụ án), trong khi giá trị đầu tư bao gồm số tiền đầu tư ban đầu cộng với những giá trị tăng thêm hoặc giảm đi theo thời gian. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau.

Thẩm phán hiểu rất rõ nguyên tắc giải thích án để làm rõ bản án. Ở đây, việc giải thích dẫn đến một phạm trù khác như thế là làm thay đổi bản chất của bản án rồi.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho Trần Tấn Thành):

Giống như ra một bản án khác

Trong tố tụng hình sự, mọi số liệu cần phải được làm rõ, chính xác, không thể là con số mập mờ, chưa cụ thể vì nó còn ảnh hưởng đến việc định khung, định tội... Ở vụ này, tòa đã nhận định rõ về số tiền đầu tư hơn 46 tỷ đồng và đến khi quyết định cũng cho rằng phải “thu hồi số tiền đầu tư”. Tuy nhiên, khi giải thích thì lại bảo phải “thu hồi giá trị đầu tư”. Đây là một sự giải thích quá đà, suy diễn, không chuẩn xác bởi số tiền đầu tư là số tiền cụ thể bỏ ra đầu tư vào một thời điểm nhất định, trong khi giá trị đầu tư là một con số thay đổi ở từng thời điểm...

Tôi không nghĩ việc giải thích bất nhất là ẩn chứa tiêu cực nhưng rõ ràng đã làm thay đổi nội dung án tuyên. Tại thời điểm tuyên án, có thể ý chí của tòa là “thu hồi giá trị đầu tư” nhưng một khi đã “bút sa” là “thu hồi số tiền đầu tư” thì phải giữ nguyên nội dung đó. Anh mắc sai sót khi tuyên án là lỗi tại anh và anh phải chịu trách nhiệm về điều này. Anh sửa sai bằng cách kiến nghị giám đốc thẩm để hủy, sửa án chứ không thể giải thích theo một hướng hoàn toàn khác với nội dung đã tuyên. Như vậy chẳng khác nào anh đã ra một bản án khác rồi!

Luật sư Nguyễn Việt Vương (Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho Nguyễn Thanh Phong):

Hậu quả rất nghiêm trọng

Là người trực tiếp tham gia vụ án, tôi thấy ý chí của hội đồng xét xử ngày đó đúng với nội dung bản án đã tuyên, tức là thu hồi số tiền đầu tư cụ thể chứ không phải để cho người khác hiểu mênh mang bằng hai từ “giá trị” như giải thích của tòa.

Một sự giải thích sai gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhiều khi còn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan tư pháp và không thể khắc phục được. Chẳng hạn trong vụ này, giả sử cơ quan thi hành án cứ vô tư phát mại tài sản theo sự giải thích sai thì hậu quả sẽ nghiêm trọng vì số tiền thi hành lớn. Vậy nên khi giải thích, tòa phải dựa vào ý chí của hội đồng xét xử và suy nghĩ thật kỹ để cơ quan thi hành án có thể thi hành. Làm sao để không còn ai tranh luận được nữa thế mới là giải thích.

Theo tôi, nếu đã giải thích sai thì Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM nên đề nghị cấp trên hủy các văn bản của mình để cơ quan thi hành án làm đúng pháp luật.

Luật sư Đỗ Hữu Hào (Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho Nguyễn Đức Ánh):

Tuyên sao, thi hành vậy

Tại thời điểm xét xử, Liên Khui Thìn đầu tư hơn 46 tỷ đồng vào các lô đất. Tuy nhiên khi đó việc hợp thức hóa giấy tờ chưa hoàn thành nên Epco chưa có quyền sử dụng trên các lô đất này. Chính vì thế mà cơ quan tố tụng không đưa các sở đất vào khối tài sản bị kê biên. Cũng bởi lý do không bị kê biên, chưa có quyền sử dụng đất nên tòa tuyên là “thu hồi số tiền Liên Khui Thìn đầu tư”, tức thu hồi lại hơn 46 tỷ đồng mà Thìn đã bỏ ra. Lúc ấy tòa đâu có thể đoán trước là Epco có hợp thức hóa được quyền sử dụng số đất này hay không mà đòi “thu hồi giá trị số tiền đầu tư”. Chừng nào tòa tuyên là thu hồi toàn bộ giá trị các lô đất thì mới phát mại, thu lại toàn bộ. Đằng này tòa chỉ “khoanh vùng” số tiền đầu tư bằng chữ nghĩa rõ ràng thì không thể giải thích khác được.

Tòa từng bác việc “thu hồi giá trị đầu tư”

Sau khi có bản án phúc thẩm vụ Epco-Minh Phụng, tháng 7-2003, Công ty TNHH Epco đã gửi công văn đến Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM kiến nghị “Tòa phúc thẩm có công văn gửi Phòng Quản lý đô thị và UBND phường Thảo Điền thông báo việc giao Công ty Epco đứng ra thu hồi giá trị đầu tư trên các sở đất quận 2 nộp cho phòng thi hành án trả nợ cho ICBV-HCMC”...

Tuy nhiên, tòa không đồng ý với yêu cầu của Epco mà đã có công văn ngày 24-7-2003 xác định: “Phần quyết định ở mục 4 phần xử lý tài sản Tòa phúc thẩm đã tuyên như sau: Giao cho Công ty Epco thu hồi số tiền Liên Khui Thìn đầu tư trên các sở đất ở quận 2 và quận 9 (TP.HCM) để trả nợ cho ICBV-HCMC (chưa đưa vào tài sản thế chấp). Cho đến nay, phần xử lý tài sản nêu trên chưa bị cơ quan nào có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Vì vậy, phần này có hiệu lực pháp luật thi hành”.

Như vậy, tòa đã không đả động gì đến việc thu hồi giá trị đầu tư như Epco kiến nghị mà vẫn khẳng định lại nội dung bản án là thu hồi số tiền đầu tư.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm