Địa bàn TP.HCM có rất nhiều cơ sở sản xuất không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nước đá. Một số cơ sở để ngay nước đá dưới nền đất, phương tiện vận chuyển bị rỉ sét, tiếp xúc trực tiếp với nước đá. Qua xét nghiệm nhiều mẫu nước đá cho thấy tỉ lệ nước đá bị nhiễm khuẩn E.coli là rất cao. Ngoài ra việc sử dụng nước đá bẩn thường xuyên dễ dẫn đến các bệnh về đường ruột, suy thận. Nặng hơn nữa là có thể nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng.
Phương tiện chuyên chở nước đá bị rỉ sét, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Theo ThS-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, triệu chứng của người bị nhiễm E.coli là tiêu chảy, đau bụng từng cơn, có thể bệnh nhân bị sốt hoặc ói mửa kèm theo. Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm E.coli cần đảm bảo nhu cầu về nước vì khi bị tiêu chảy sẽ bị mất nước, chúng ta không nên tự ý đến các cửa hàng thuốc Tây để ngăn tiêu chảy vì việc này có thể làm tăng mức độ bệnh lên. Trường hợp khi bị tiêu chảy hai ngày mà không khỏi thì bệnh nhân nên tới cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.
Cũng theo bác sĩ, bản thân người tiêu dùng phải biết cách bảo vệ lấy mình, phải đánh giá được thức ăn, đồ uống của mình có đảm bảo vệ sinh hay không. Việc nước đá sản xuất không đảm bảo chất lượng, lấy từ các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.