Để tiện lợi, sau khi thu hoạch rau nhiều người dân dùng rau đó rửa ngay nguồn nước cạnh nơi trồng. Điều đáng nói là nguồn nước để rửa những loại rau đó có nơi bị ô nhiễm rất nặng, màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Sau khi rửa xong người bán bó rau lại và mang ra chợ bán.
Theo các chuyên gia việc rửa rau tại những nguồn nước bị ô nhiễm như thế tỷ lệ nhiễm bẩn, giun sán, vi sinh vật sẽ rất cao. Khi người dùng mua về sử dụng , khi rửa có thể sẽ không loại bỏ được hết những loại giun sán và vi sinh vật này dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Để tiện lợi nhiều người rửa rau ngay nguồn nước không hợp vệ sinh. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó một số nơi buôn bán thực phẩm như lẩu, hủ tiếu, cơm,…có nơi còn dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để rửa rau sống cho khách dùng. Em Lê Chí Tâm, sinh viên một trường đại học cho biết “Hầu như ngày nào em cũng ăn cơm ở quán sinh viên gần trường, quán có nhiều món ăn sử dụng rau sống, một lần vô tình em xuống xin nước để rửa tay thì thấy chủ quán đang rửa rau sống bằng một thau nước toàn cặn. Rửa xong rồi mang lên cho khách ăn. Kể từ đó em không dám ăn cơm ở quán này”.
Ngoài việc dùng nước cặn bẩn để rửa rau còn có một số người dùng nước đã qua một lần sử dụng như dùng để rửa sơ chén bát, dùng để rửa ly để rửa rau. Điều này gây mất vệ sinh cho người sử dụng.
Quy định xử lý hành vi
Theo Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm:
Hành vi sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để chế biến hoặc chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín sẽ bị phạt tiền 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Ngoài phạt tiền còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Bện cạnh đó người vi phạm còn phải chịu chế tài khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm