Đừng để người bị oan mỏi mòn chờ công lý

Trong thời gian qua, báo chí đăng tải nhiều trường hợp người bị oan phải mỏi mòn chờ được giải oan. Có trường hợp họ phải chờ đến 10 năm, 20 năm mới được cơ quan làm oan thừa nhận và bồi thường (xem thêm bài “Được minh oan sau hơn 20 năm”, Pháp Luật TP.HCM ngày 19-6). Đọc xong những thông tin đó, tôi thấy thương cho các thân phận bị oan và không đồng tình với sự chậm trễ khắc phục hậu quả của cơ quan gây ra oan sai.

Tôi đã từng rơi nước mắt, đau lòng khi đọc tin tức trên báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh về trường hợp công dân Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Mới đây là trường hợp các thanh niên ở tỉnh Sóc Trăng bị bắt giam oan cả năm trời về tội giết người. Điều xót xa hơn sau khi vụ án được đình chỉ, các công dân đã trở về quê nhà với gia đình, cuộc sống của họ cũng từ đây lâm vào hoàn cảnh bấp bênh, khốn cùng, nhà cửa tan nát, vợ con đã bỏ đi không còn liên lạc... 

Mấy hôm trước tôi đọc  bài “Mòn mỏi chờ bồi thường oan” phản ánh về trường hợp bà Đỗ Thị Lộc ở quận 1, TP.HCM. Bà được xác định oan vào năm 1992. Bắt đầu từ năm 2006 bà đã làm đơn yêu cầu VKS bồi thường nhưng cứ chờ mãi. Việc này khiến không chỉ bản thân người bị oan mà dư luận hết sức bức xúc. May mắn là sau khi báo đăng, vấn đề đã được khắc phục ngay. Âu đây cũng là kết thúc có hậu, dù rất muộn. Tôi rất mong những vụ như thế này cần được khắc phục một cách nhanh nhất.

Do vậy, tôi rất chia sẻ với phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): “Người bị oan luôn gian nan đi tìm công lý”. Người bị oan rất khổ tâm, phải mang tai mang tiếng với dư luận, người thân. Không có gì có thể bù đắp được những thiệt hại đó. Nhưng dù sao đi nữa, họ cũng cần phải được các cơ quan chức năng minh định lại và bồi thường cho họ để khỏa lấp phần nào những nghiệt ngã mà họ gánh chịu. Mọi sự chậm trễ đều làm cho nỗi đau ấy thêm trầm trọng hơn.

Do vậy tôi nghĩ một khi các cơ quan có thẩm quyền đã gây ra nỗi oan trong các giai đoạn tố tụng hình sự thì phải mạnh dạn thừa nhận yếu kém, sai trái, nhanh chóng tiến hành xin lỗi, bồi thường. Đó không chỉ thể hiện trách nhiệm, tình người mà còn tạo dựng niềm tin vào pháp luật, vào công lý với mỗi người dân.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức gây ra sai phạm và hành vi đó vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cần thiết phải được xử lý nghiêm minh. Đó cũng là biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót trong quá trình thụ lý, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

NGUYỄN ĐƯỚC (136/1 Trần Phú, quận 5, TP.HCM)

Tránh bức cung, nhục hình

Mấy năm trở lại đây, việc cơ quan chức năng thừa nhận làm oan và tiến hành bồi thường là khá nhiều. Đây là sự sòng phẳng đáng phải có. Tuy nhiên, tôi cũng có cảm giác rằng còn không ít vụ việc cơ quan chức năng đang né trách nhiệm, không dám đối diện với sự thật. Mà nếu làm như vậy thì số phận của người bị oan ấy càng tồi tệ hơn. Người có thẩm quyền phải hiểu, phải chia sẻ được với thân phận của người khác để biết nỗi đau, sự mất mát, thiệt thòi của họ. Nếu anh cứ vô cảm, cậy thế cậy quyền làm sai thì sẽ không thể chấm dứt được tình trạng gây ra oan trái cho người khác.

Tôi mong rằng sống trong xã hội văn minh tiến bộ này, cơ quan công quyền cần tuân thủ đúng pháp luật, triệt tiêu ngay việc ép cung, nhục hình. Tạo điều kiện cho luật sư tham gia ngay từ đầu để cùng với cơ quan điều tra, VKS tìm ra sự thật vụ án. Đảm bảo các quyền của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đã có làm thì sẽ có sai, không thể nào toàn diện được cả. Nhưng khi sai thì không né tránh, phải dũng cảm đối đầu để trả lại trong sạch, danh dự, uy tín cho người mà mình làm oan.

Luật sư NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm