Không ai được phép “băm vằm” Đà Lạt!

Có phải “chọc trời” mới là hiện đại?

Gần đây, những thông tin về sự thay đổi của Đà Lạt ngày càng xuất hiện nhiều trên mặt báo. Y như rằng bất kỳ “nhất cử, nhất động” nào đối với thành phố đầy hoa này cũng đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đơn giản là Đà Lạt từ lâu đã không còn là “của riêng” người Đà Lạt. Việt Nam chỉ có một Đà Lạt...

Đô thị “hàng tỉnh”

Còn nhớ trong cuộc hội thảo nhằm xây dựng Đà Lạt trở thành một thành phố tri thức (bài giới thiệu đăng trên tạp chí Kiến Trúc Nhà đẹp - Hội KTS VN, số tháng 9-2006), kiến trúc sư Singapore Tay Kheng Soon - chuyên gia cố vấn về quy hoạch của chính phủ Singapore – đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt với Đà Lạt. Ông cho rằng Đà Lạt là một trong những thành phố đẹp và thơ mộng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà ông từng biết. Đà Lạt đẹp vì cảnh quan đẹp, khí hậu tuyệt vời, an ninh tốt, môi trường thanh sạch. Ông lưu ý Đà Lạt chỉ có thể phát triển bền vững khi thiên nhiên được bảo tồn tốt nhất và con người phát huy tính sáng tạo cao nhất. Tại Hội nghị “Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu ở Đà Lạt” tổ chức ngày 16-3-2004, nhiều kiến trúc sư (KTS) tham dự đã cảnh báo Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ ngày càng xa rời tính chất nghỉ dưỡng, sinh thái riêng biệt vốn có do tình trạng xây dựng lộn xộn theo kiểu “đủ mâm đủ bát” như những đô thị lớn khác.

KTS Hoàng Đạo Kính, một trong những KTS hàng đầu của Việt Nam, cho rằng cùng với Huế, Đà Lạt xứng đáng là “đô thị di sản”, là đô thị duy nhất của Việt Nam có công năng nghỉ dưỡng và đã kiến tạo riêng bản sắc cho mình. Những tài nguyên hiện có làm nên Đà Lạt là thiên nhiên, cảnh quan nhân văn, quỹ đô thị, kiến trúc và văn hóa sống đô thị. Hễ bất kỳ tài nguyên nào bị suy suyển, tổng thể Đà Lạt sẽ bị xộc xệch; hễ các tài nguyên cùng bị xâm hại thì tổng thể Đà Lạt tan vỡ.

Nhiều bất ổn phát sinh

Có vẻ như sự suy suyển, xộc xệch đó đang có nguy cơ xảy ra đối với Đà Lạt. Vào tháng 3-2007 vừa qua, một hiện tượng tự nhiên chưa từng thấy đã xảy ra ở Đà Lạt: Đà Lạt nóng! Nóng đến nỗi người dân sống ở thành phố này hàng chục năm qua và cả du khách đều phải kêu: “Nóng quá!”, “khắc nghiệt quá!”, “không còn nhận ra Đà Lạt nữa!”. Khi đó đã có không ít ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu kỳ quặc đó là do tình trạng phân lô, xây nhà ồ ạt, tình trạng bê-tông hóa thành phố xưa nay khí hậu vốn rất ôn hòa. Hôm nay, việc “bật đèn xanh” cho các cao ốc chọc trời mọc lên lại lần nữa làm nhiều người lo ngại. Đáng lo ngại hơn nữa là đến bây giờ tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt vẫn chưa hoàn tất quy hoạch chi tiết nhằm định hướng tương lai cho Đà Lạt.

Thu hút đầu tư nhằm hiện đại hóa hạ tầng, đô thị là chủ trương, xu hướng đúng đắn của không riêng gì Đà Lạt. Nhưng “chọc trời hóa” liệu có đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa cho đô thị Đà Lạt hết sức đặc thù này? Chỉ chắc chắn rằng hiện đại hóa không cứ hẳn phải là “chọc trời”!

Để thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư nhưng lại hết sức “vô tư” trước vấn đề môi trường, quỹ kiến trúc cảnh quan nói chung... Đã có nhiều khu, cụm công nghiệp ồ ạt ra đời thiếu hẳn đánh giá tác động môi trường, thậm chí không quan tâm đến việc xử lý chất thải (nước, chất thải rắn, khói bụi...). Nhiều khu đô thị mới đường hoàng mọc lên giữa bạt ngàn đồng ruộng, thiếu vắng cơ sở hạ tầng tối thiểu; nhiều dự án đầu tư với vô số công trình có lối kiến trúc theo kiểu “phá hỏng” và làm “tật nguyền” đô thị.

Một khi môi trường sinh thái bị phá vỡ, việc lập lại thế cân bằng cho nó là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Khi thiên nga muốn biến thành đà điểu

Cách đây không lâu, tôi đã rất vui khi nghe tin 70% các con đường của TP Đà Lạt sẽ được mang tên các loài hoa. Tương ứng với tên đường, chính quyền sẽ trồng chính loại hoa đó. Đây là một quyết định đúng đắn, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt và tạo được bản sắc riêng biệt cho thành phố này.

Thế rồi, Pháp luật TP.HCM tiếp tục đưa tin: TP Đà Lạt đang có dự định cho ra đời những tòa nhà cao tới 20 tầng và giờ đây cho nhà cửa dân cư mọc tràn lan. Tôi đã sốc và thất vọng!

Nói về du lịch tắm biển, Đà Lạt không thể “mạnh” như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu…. Nói về du lịch leo núi, về sự hùng vĩ của rừng núi, Đà Lạt không thể sánh với các tỉnh Tây Bắc v.v... Bấy lâu nay, Đà Lạt có cái gì mà du khách cứ muốn đến hoài?

Câu trả lời nằm ở sáu yếu tố sau: Khí hậu lạnh; mảng rừng thông; sự kết hợp hài hòa của những ngọn đồi–rừng thông-hồ nước; kiến trúc đặc biệt; những thác nước; có đỉnh Langbian và không gian văn hóa còn dân dã của các dân tộc Tây Nguyên. Chính sáu yếu tố này đã biến Đà Lạt trở thành một “báu vật” tự nhiên-văn hóa-du lịch của không chỉ riêng Lâm Đồng mà là của cả nước và rất cần được giữ gìn.

Chắc chắn Đà Lạt sẽ tự đánh mất lợi thế của mình, tự đánh mất đi vẻ đẹp duyên dáng của mình nếu chấp nhận cho những tòa cao ốc sừng sững mọc lên. Nó chẳng khác nào việc một con thiên nga lại muốn đi thẩm mỹ viện để được (bị) trở thành một con đà điểu!

Nguyễn Lan Bình (binhlannguyen...@yahoo.com)

Xin đừng “vắt sữa non”!

Nhiều cánh rừng thông bạt ngàn đã biến mất để nhường chỗ cho những khối nhà bê-tông trị giá hàng triệu đôla. Hơn một năm qua, một căn biệt thự ung dung mọc lên trên đoạn đường đầy thông thuộc khu vực “bất kiến tạo” bởi có di tích lịch sử (Dinh II) và để giữ nguyên vẹn hình ảnh còn lại của những trảng cỏ, thung lũng, sương mù... cho du khách thưởng lãm. Rồi con đường Ba Tháng Tư được xem là cực nhạy cảm vì là đường cửa ngõ đón chào du khách (lên đèo Prem), nếu khoảng 10 năm trước kiến trúc hai bên chỉ toàn biệt thự với cao tầng công trình khiêm tốn, lịch lãm thì giờ đang có nhiều nhà “siêu mỏng” đang tiếp tục được “nhân bản”...

Không thể chấp nhận được! Đó là cảm giác của không chỉ riêng tôi khi đọc được các thông tin này. Vì sao chính quyền có thể dễ dàng đánh đổi những giá trị vô giá đã được bao đời cất công giữ gìn với những lợi ích nhỏ trước mắt? Có thể ngân sách của địa phương này sẽ có nhiều triệu, tỷ đôla. Nhưng nguồn thu này liệu có đủ bù đắp những thiệt hại, mất mát mà cảnh quan, thiên nhiên Đà Lạt đã, đang và sẽ gánh chịu?

Trong lòng tôi ngày trước, Đà Lạt giống như một cô gái đạt đến tột đỉnh của sự duyên dáng và chiều sâu tột cùng của một tâm hồn đẹp. Mong rằng lần sau đến thăm Đà Lạt, người con gái tuyệt vời ấy sẽ không biến mất để tôi và nhiều người khác khỏi bị hụt hẫng!

Thành Nam (Quận 5)

Đâu rồi Đà Lạt của chúng tôi?

Mặc dù đã có rất nhiều lần đến Đà Lạt nhưng tôi vẫn luôn chọn nơi này làm điểm du lịch mỗi khi có thể. Đà Lạt hút hồn tôi bằng một bầu không khí trong lành, mát mẻ và dễ chịu; bằng những rừng thông bạt ngàn điểm xuyết những biệt thự cổ thời Pháp rải rác như nét chấm phá trong tranh thủy mặc...

Thiên nhiên có một không hai ấy giờ đang bị các công trình bê-tông phục vụ du lịch lấn áp. Chạy đua với tốc độ đô thị hóa, người ta đã xây những ngôi nhà không phải của... Đà Lạt! Rồi sân golf, sân quần ngựa, các khu giải trí khổng lồ... đã và sẽ mọc lên, tiêu diệt dần sự hồn nhiên và dân dã xa xưa của Đà Lạt.

Cũng như nhiều người khác, tôi thích đến Đà Lạt để nhìn ngắm những rừng thông, những khóm hoa dại tươi tắn và được lang thang đâu đó trên đồi cù rộng lớn và xinh đẹp... Sẽ thật đáng tiếc nếu tới đây, những “đặc sản” đó sẽ không còn nữa.

THY (huytienabc...@yahoo.com)

PV

Đừng bỏ lỡ

Trung ương thống nhất cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố

Trung ương thống nhất cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố

(PLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh (tỉnh, TP trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, TP); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, TP...

Gỡ vướng cho việc xây dựng thương hiệu ngành yến sào

Gỡ vướng cho việc xây dựng thương hiệu ngành yến sào

(PLO)- Tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào” được tổ chức nhằm nhận diện những vướng mắc pháp lý và đề xuất giải pháp phát triển ngành yến sào theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đọc thêm