Không thường trú vẫn được cấp bằng lái xe

Nhiều bạn đọc đã gửi đến báo Pháp Luật TP.HCMcác thắc mắc về việc cấp giấy phép lái xe (GPLX) ôtô, môtô. Ông Lâm Thành Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, lần lượt giải đáp.

Điều kiện dự sát hạch cấp GPLX

. Có quá khó để được cấp GPLX ôtô, môtô hay không, thưa ông? Người đề nghị cấp giấy này cần có những điều kiện gì?

+ Có thể hiểu đơn giản thế này: Người có nhu cầu được cấp GPLX phải học lái xe và dự thi sát hạch. Theo Điều 8 Thông tư số 07 ngày 19-6-2009 của Bộ Giao thông Vận tải (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ), người học để thi GPLX phải là công dân Việt Nam; có sức khỏe theo quy định và đủ tuổi 18 trở lên nếu thi lấy GPLX từ hạng A1, A2, A3, A4, B1 và B2. Đối với hạng D, FC thì phải từ đủ 24 tuổi trở lên; đối với hạng E thì phải từ đủ tuổi 27 trở lên nhưng không quá 50 tuổi với nữ và 55 tuổi với nam. Nếu là người nước ngoài thì phải được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam. Về trình độ văn hóa, phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên đối với người cần nâng GPLX lên hạng D, E trở lên.

Không thường trú vẫn được cấp bằng lái xe ảnh 1

Một buổi sát hạch cấp GPLX A1 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THÁI HIẾU

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, người dân có thể đến các cơ sở đào tạo lái xe đăng ký học và dự thi sát hạch để được cấp GPLX. Cơ quan có thẩm quyền cấp, đổi GPLX là sở giao thông vận tải cấp tỉnh.

. Ông có thể nói cụ thể hơn về việc học để dự thi GPLX môtô, ôtô? Thời gian, chi phí học đối với những loại GPLX thông dụng hiện nay ra sao?

+ Hiện GPLX môtô, ôtô được chia ra nhiều thứ hạng tương ứng với từng loại xe mà người điều khiển cần phải có. Loại GPLX môtô thông dụng hiện nay là hạng A1 và ôtô là hạng B2 (xe du lịch).

Đối với người dự thi lấy GPLX môtô hạng A1 thì có thể tự học tập, tự luyện tập chạy cua - chạy vòng (chương trình học gồm 6 tiết lý thuyết và 4 tiết thực hành). Chi phí học tập dự thi và cấp GPLX là 170.000 đồng (bao gồm: học phí 70.000 đồng, lệ phí thi 70.000 đồng, lệ phí cấp GPLX 30.000 đồng).

Riêng về việc dự thi lấy GPLX ôtô hạng B2, người thi phải đến đăng ký học tại cơ sở có giấy phép đào tạo lái xe với thời gian học là ba tháng rồi mới làm thủ tục dự thi. Chi phí học tập để dự thi tùy thuộc vào điều kiện học tập của từng cơ sở và nhu cầu của người học.

. Hiểu sao là có đủ sức khỏe? Như người bị hư một mắt, bị cụt một bàn tay… có được dự thi cấp GPLX hay không?

+ Theo Quyết định 33 ngày 30-8-2009 của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người bị tai nạn chỉ còn một mắt, cụt cả bàn tay, bệnh tâm thần… và một số bệnh khác không đủ điều kiện để dự thi sát hạch cấp GPLX.

Đổi hoặc cấp lại GPLX

. Người đang tạm trú tại TP.HCM muốn đăng ký thi lấy GPLX ôtô, môtô tại TP.HCM thì có được không?

+ Được. Khi hội đủ các điều kiện như tôi đã nêu ở trên, người dân có thể làm thủ tục đăng ký học thi lấy GPLX ôtô và môtô ở bất cứ tỉnh, thành nào, không phụ thuộc vào nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

. GPLX bị bong tróc có được tự ép nhựa lại? Nếu lỡ làm mất, hư, rách… GPLX, người dân cần phải làm gì?

+ Trường hợp GPLX bị bong tróc lớp nhựa ép thì có thể tự ép lại để dùng. Nếu GPLX bị hư hỏng, rách, mất…, người dân phải đến các cơ quan tổ chức sát hạch lái xe ở các tỉnh, thành phố làm thủ tục để được đổi hoặc cấp lại GPLX.

Nếu GPLX bị hư, mất còn thời hạn sử dụng và còn hồ sơ gốc thì phải có xác nhận của cơ quan công an về việc hư, mất. Khi cơ quan quản lý không phát hiện GPLX đó đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì sau hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, người dân được dự sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại GPLX.

Không thường trú vẫn được cấp bằng lái xe ảnh 2

Nếu GPLX bị hư, mất mà còn thời hạn sử dụng nhưng không còn hồ sơ gốc, tên của người ấy có trong hồ sơ lưu của cơ quan quản lý sát hạch thì cũng sau hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, người ấy được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại GPLX.

. Khi GPLX hết hạn sử dụng thì người dân có phải học lại để được gia hạn?

+ GPLX môtô hạng A1 có giá trị sử dụng không thời hạn, còn GPLX ôtô hạng B2 có thời hạn sử dụng là năm năm.

Tương tự như trên, nếu GPLX hết hạn sử dụng và còn hồ sơ gốc, sau hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, người dân được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại GPLX. Nếu hết hạn sử dụng và không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ lưu thì sau 12 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, người dân được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.

Riêng những trường hợp sau đây phải học lại để được cấp GPLX: Người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Giao thông đường bộ và bị cơ quan thẩm quyền ra quyết định tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn. Sau một năm, nếu có chứng nhận của cơ sở đào tạo đã hoàn thành nội dung học luật trên, môn đạo đức người lái xe thì người đó được dự thi sát hạch lý thuyết và thực hành để được cấp GPLX.

GPLX dành cho người nước ngoài

. Người nước ngoài và người Việt Nam có GPLX ôtô, môtô do nước ngoài cấp có thể dùng giấy đó để lái các loại xe trong nước hay không?

+ Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam với thời gian từ ba tháng trở lên, có GPLX quốc tế hay quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thì được xét làm thủ tục đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam.

Khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam, có GPLX quốc tế hay quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam cũng được xét đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam.

Người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp GPLX quốc tế hoặc quốc gia, còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam.

. Hồ sơ đổi GPLX trong các trường hợp này?

+ Hồ sơ đổi GPLX của nước ngoài cấp gồm có: Đơn đề nghị đổi GPLX (theo mẫu) có xác nhận của cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương; bản photocopy GPLX nước ngoài; bản dịch ra tiếng Việt GPLX nước ngoài được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan công chứng hoặc đại sứ quán, lãnh sự quán tại Việt Nam, có đóng dấu giáp lai với bản photocopy GPLX; bản photocopy hộ chiếu gồm phần số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam hoặc bản photocopy giấy CMND, chứng minh thư ngoại giao hoặc công vụ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp.

Khi nộp hồ sơ, người đổi GPLX phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy CMND (chứng minh thư ngoại giao, công vụ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp) và GPLX nước ngoài để đối chiếu.

. Xin cảm ơn ông.

THÁI HIẾU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm