Nhờ báo can thiệp mới được hòa giải

Tháng 7-2014, luật sư chúng tôi được người dân ủy quyền để giải quyết tranh chấp đất đai. Sau đó chúng tôi đến UBND phường Tân Phong (Biên Hòa, Đồng Nai) nộp đơn yêu cầu phường tổ chức hòa giải theo quy định thì cán bộ phụ trách lại buộc chúng tôi phải về hòa giải ở khu phố. Mặc dù chúng tôi đã giải thích là không có quy định nào như vậy cả nhưng vị cán bộ trên vẫn không chấp nhận. Chúng tôi phản ánh lên lãnh đạo nhưng thật bất ngờ lãnh đạo phường cũng không giải quyết.

Nhận thấy đây là một cách làm khó người dân của cán bộ công quyền, chúng tôi đã nhờ Pháp Luật TP.HCM can thiệp. Báo đã cử phóng viên tìm hiểu sự việc rồi cho đăng tải thông tin. Báo phân tích cặn kẽ các quy định của pháp luật và cho rằng phường không nhận đơn để tổ chức hòa giải là không đúng. Với quyết liệt này của báo, sau đó chúng tôi đã được lãnh đạo phường Tân Phong mời đến để giải quyết. Vừa qua, sau khi hòa giải không thành, chúng tôi đã đưa vụ việc qua tòa án.

Trong quá trình hành nghề, tôi nhận thấy thời gian qua nhiều cơ quan nhà nước tích cực giải quyết hồ sơ của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó nhiều cán bộ quan liêu, hạch sách, chậm trễ theo lối “dân cần, quan không vội”, có người làm méo mó quy định của pháp luật gây bất bình cho người dân.

Đơn cử như vừa rồi, chúng tôi cũng được người dân ủy quyền đến phường giải quyết tranh chấp. Cán bộ phụ trách có nhiều lời lẽ rất khó nghe như lớn tiếng đòi chúng tôi nộp bản chính tài liệu để đi giám định nhưng khi chúng tôi bảo phải ghi biên nhận thì họ lại không chịu thực hiện. Không những thế, dù chúng tôi là người đã được ủy quyền toàn bộ để giải quyết tranh chấp nhưng khi mời làm việc, cán bộ phường lại không mời chúng tôi mà lại đi mời người đã ủy quyền cho chúng tôi. Chúng tôi thắc mắc thì vị này lại nói là chúng tôi biết gì mà tham dự (!?).

Ngoài các vụ việc trên, trước đây chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn từ các cơ quan nhà nước khi tiến hành thực hiện các công việc dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Điển hình như có lần luật sư chúng tôi bị một cơ quan hành chính ví là “cò” rồi không chịu nhận hồ sơ. Bức xúc trước việc xem thường này, luật sư chúng tôi đã phản ứng lại và cơ quan kia đã nhận ra cái sai. Chính báo cũng đã cùng chúng tôi tìm lại sự công bằng này.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả cải cách, giúp người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận với các thủ tục hành chính của địa phương, tôi đề nghị các cơ quan hành chính nhà nước đẩy mạnh việc rà soát thủ tục hành chính nội bộ. Song song đó, cần xây dựng quy định về mối quan hệ làm việc và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan theo các tiêu chí: pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai về các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm nhằm góp phần xây dựng văn hóa công sở, giữ gìn trật tự, kỷ cương trong hoạt động công vụ. Ngoài ra, cần xây dựng các quy trình giám sát chặt chẽ đối với lề lối làm việc của cán bộ, công chức tại địa phương. Cạnh đó, chúng ta phải nhanh chóng, kịp thời xử lý những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, hạch sách của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ của mình đối với người dân.

Làm việc cần thượng tôn pháp luật

Đối với báo Pháp Luật TP.HCM, điều làm cho chúng tôi cảm thấy rất hài lòng là sau khi nhận được đơn phản ánh của chúng tôi, báo đã nhanh chóng cử ngay phóng viên xuống tìm hiểu sự việc. Sau khi có sự can thiệp kịp thời của quý báo thì cơ quan làm sai nhận ra sai sót rồi sửa chữa.

Chúng tôi mong báo đồng hành, giám sát thái độ, lề lối làm việc của cán bộ, công chức đối với người dân, kịp thời phản ánh những bức xúc của người dân để góp phần xây dựng xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm