“Chúng tôi được tòa hướng dẫn về phường để hòa giải trước khi tòa thụ lý vụ tranh chấp về đất đai. Nộp đơn vào phường thì lại “đẻ” thêm quy định là về khu phố hòa giải trước. Tôi đã xin tư vấn rất nhiều người, không có quy định nào vậy cả. Rõ ràng phường gây khó dễ cho người dân” - chị Từ Nguyễn Thu Hương - đại diện ủy quyền của ông Hoàng Đình Chính (ngụ đường Nguyễn Văn Tiên, phường Tân Phong, TP Biên Hòa, Đồng Nai) phản ánh với Pháp Luật TP.HCM.
Phường không chịu nhận đơn
Chị Hương cho biết ngày 24-6, chị đến UBND phường Tân Phong nộp đơn đề nghị tổ chức hòa giải giữa phía chị và ông Nguyễn Văn Hà (ngụ đường Nguyễn Văn Tiên, phường Tân Phong) liên quan việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Ngoài đơn đề nghị hòa giải, chị Hương mang theo một bản photocopy công chứng giấy tờ mua bán đất, giấy ủy quyền. Tuy nhiên, sau khi nhận và đọc đơn thì cán bộ tư pháp phường không nhận vì “đề nghị không có cơ sở căn cứ để giải quyết, về khu phố để hòa giải”. Chị không đồng ý nhưng cán bộ tư pháp vẫn không chấp nhận vì đây cũng là ý kiến của chủ tịch phường.
Chị Hương cho rằng UBND phường Tân Phong, TP Biên Hòa, Đồng Nai đang “hành dân”. Ảnh: VH
Theo chị Hương, UBND cấp xã, phường, thị trấn phải nhận đơn yêu cầu hòa giải của người dân bởi luật quy định đối với tranh chấp mà đương sự có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Sau khi xem xét, nếu xác định không giải quyết được theo đề nghị trong đơn của người dân thì phải trả lời bằng văn bản. Cạnh đó, theo các quy định của pháp luật, khu phố không có chức năng giải quyết hòa giải việc tranh chấp quyền sử dụng đất đai và chỉ giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn xã hội, cuộc sống thường nhật. Vì vậy, việc UBND phường Tân Phong không nhận đơn của chị và trả lại đơn không bằng văn bản là sai.
“Đẻ” thêm quy định
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Hà Thị Bích Phượng (cán bộ tư pháp phường, người đã không nhận đơn của chị Hương) khẳng định: Chị Hương mang đơn đề nghị hòa giải việc tranh chấp đất giữa ông Chính và người em trai là ông Hà. Tuy nhiên, sau khi xem xét hồ sơ nhận thấy việc ông Chính cho ông Hà mượn đất không có giấy tờ chứng minh. Bên cạnh đó, đất của ông Chính mua là giấy tờ giao dịch viết tay mua lại của một người khác. Vì vậy, UBND phường đã trả lại đơn kiến nghị hòa giải của chị Hương và yêu cầu xuống khu phố giải quyết. Vì mỗi khu phố đều có một tổ hòa giải, việc tranh chấp đất đai trong gia đình anh em nên khu phố sẽ hòa giải.
“Đòi hỏi này là không đúng” - Thẩm phán Vũ Linh (TAND huyện Tân Phú, Đồng Nai) nhận định về việc này. Thẩm phán Vũ Linh cho biết Luật Đất đai 2013 quy định bắt buộc phải có thủ tục hòa giải ở cơ sở cụ thể là cấp xã, phường, thị trấn thì tòa mới thụ lý vụ án. Việc hòa giải được tiến hành khi có đơn yêu cầu và thể hiện có hai bên đương sự chứ không cần thiết phải có những căn cứ, chứng minh cho thấy có việc tranh chấp.
Thời hạn thụ lý và kết thúc hòa giải là 45 ngày làm việc kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn, quá thời hạn trên mà người có trách nhiệm tổ chức hòa giải không tiến hành hòa giải thì phải bị xem xét, xử lý kỷ luật.
“Các quy định của pháp luật hướng dẫn rất rõ và không hề quy định phải có thủ tục hòa giải tại đơn vị là ấp, khu phố. Nếu nơi nào có thêm đòi hỏi này là sai và cố tình “đẻ” ra một thủ tục không cần thiết. Thực tế nếu có hòa giải ở ấp, khu phố cũng không giải quyết được chuyện gì mà còn làm phức tạp và kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp trong khi các tranh chấp đất đai vốn đã phức tạp. Sở dĩ phải hòa giải ở cấp xã là để chủ tịch UBND cấp xã thể hiện trách nhiệm vai trò thuyết phục, để các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau” - Thẩm phán Vũ Linh khẳng định.
VĂN NGỌC - THANH TÙNG
Không hòa giải, chủ tịch phường bị kiện Tháng 6-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi đất giao cho ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng sót lọt đất của gia đình bà Phạm Thị Quỳnh Hoa (đã có giấy đỏ) tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An (giáp ranh khu ĐH Quốc gia TP.HCM). Cho rằng ĐH Quốc gia đã chiếm đất nên bà Hoa khởi kiện dân sự đơn vị này nhưng TAND thị xã Dĩ An trả lại đơn kiện của bà vì trong hồ sơ chưa có biên bản hòa giải của phường. Nhận lại hồ sơ, bà Hoa yêu cầu được UBND phường hòa giải thì nơi đây từ chối vì lý do… không có chức năng giải quyết. Cuối cùng, bà Hoa khởi kiện hành chính chủ tịch UBND phường Đông Hòa ra tòa, yêu cầu vị này phải tổ chức hòa giải theo luật định. Ngày 26-8-2013, báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh thì hai ngày sau chủ tịch UBND phường đã mời bà Hoa lên tổ chức hòa giải... |