Nhìn lại bức tranh tổng thể về thị trường bất động sản năm 2017, chiều ngày cuối cùng trong năm, Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA) đã đưa ra một số nhận định về thị trường bất động sản năm 2017 với nhiều điểm sáng, tối đan xen nhau.
Điểm tích cực của thị trường bất động sản 2017
Theo HoREA, thị trường bất động sản năm 2017 đã tăng trưởng trở lại với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016. Phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền (loại trung cấp và bình dân) đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng vẫn là phân khúc chủ đạo, chiếm 74% thị phần, có tính thanh khoản cao và phát triển bền vững nhưng vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục khẳng định vai trò thống lĩnh thị trường bất động sản, kể cả trong thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), như: Vingroup, Novaland, Him Lam, FLC, Bitexco, Sungroup, Đại Quang Minh, Nam Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang, Khang Điền, Cengroup, SSG, Thủ Đức House, Phú Long, Sơn Kim, C.T Group, Cityland, Lê Thành, Đất Xanh,... Riêng lĩnh vực môi giới văn phòng cho thuê cao cấp, quản lý dự án bất động sản cao cấp thì lợi thế thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, như: CBRE, Savills.
Đồng thời, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỉ lệ giải ngân vốn FDI tăng cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, FDI vào thị trường bất động sản đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại TP.HCM; Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào thành phố Hồ Chí Minh, và vào thị trường bất động sản; Hàn quốc đứng thứ 2 (chỉ thấp hơn Nhật Bản 1,7%); Kiều hối vẫn tiếp tục tăng và luôn giữ được tỉ lệ khoảng 22% đầu tư vào thị trường bất động sản.
Một số mặt hạn chế, tiềm ẩn rủi ro trong thị trường bất động sản
Trong năm 2017, thị trường bất động sản thành phố chứng kiến cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được thành phố xử lý hạ nhiệt kịp thời nhưng vào cuối năm 2017 có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè; Một số doanh nghiệp môi giới có hoạt động không lành mạnh có thể làm tổn hại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và ảnh hưởng lòng tin của khách hàng, như các công ty Kim Phát, Việt Hưng Phát, Địa ốc Alibaba.
Một điểm đáng chú ý nữa đó là thị trường căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel, biệt thự trong khu du lịch) có dấu hiệu cung vượt cầu; và việc chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên đến 8%-12%/năm trong 8-12 năm nhưng không có biện pháp để bảo đảm chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết nên đã tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp và thị trường bất động sản.
Tình hình tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng. Toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt phức tạp, chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị; chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...).
Ngoài ra, tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng; về chất lượng xây dựng chung cư; chất lượng thiết bị; công trình phòng cháy chữa cháy; đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết; chưa làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm; trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp; hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.
Cũng theo HoREA, năm điểm "nghẽn" của thị trường bất động sản vẫn chưa hề nhúc nhích bao gồm: (1) Điểm nghẽn tiền sử dụng đất; (2) Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng; (3) Điểm nghẽn chuyển nhượng dự án bất động sản; (4) Điểm nghẽn chính sách tín dụng; (5) Điểm nghẽn thủ tục hành chính, đã làm hạn chế tính minh bạch và sự phát triển của thị trường bất động sản.