Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đánh dấu sự tham gia vào thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM khi rót hàng trăm triệu USD vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation).
Ngày 24-12, Tập đoàn Mitsubishi và Phúc Khang Corporation công bố hợp tác chiến lược và ký kết liên doanh trong việc phát triển nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh tại TP.HCM.
Nhộn nhịp nhà đầu tư ngoại
Theo đó, tỉ lệ vốn góp của Mitsubishi tương ứng 49% vốn điều lệ và Phúc Khang Corporation 51%, thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC). Cả hai bên sẽ cùng đầu tư và phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, dự án nhà ở đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng, quản lý theo tiêu chuẩn LEED (USGBC - Hoa Kỳ) - một tiêu chuẩn công trình xanh uy tín và phổ biến tại 150 quốc gia trên thế giới. Thông qua PKMC, hai bên sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20 ha (phức hợp thương mại, chung cư cao tầng) trong khu vực trung tâm TP.HCM gồm các quận 1, 2, 8, 10, Tân Bình, Tân Phú… và 1.000 ha ở các vùng lân cận.
Trước đó, Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản đã đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment để mua lại 20% cổ phần của công ty này và đầu tư vào các dự án do An Gia phát triển theo tỉ lệ 50/50. Sau hơn hai năm hợp tác, nhiều dự án do An Gia phát triển như An Gia Skyline, An Gia Riverside đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long cũng nhận được sự “hậu thuẫn” từ các đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, có một điều khác biệt là thay vì bỏ tiền ra mua lại cổ phần của công ty mẹ (Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long), các doanh nghiệp Nhật lại thường mua lại cổ phần tại chính công ty con, đang phát triển từng dự án cụ thể của doanh nghiệp này.
Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản nước ngoài. Ảnh: THÙY LINH
Cơ hội hồi sinh
Theo chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực, nợ xấu và nợ tiềm ẩn tính đến cuối năm 2016 là khoảng 8,6% tổng dư nợ, tương đương khoảng 516.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC và chưa xử lý tính đến tháng 9-2017 ước khoảng 230.000 tỉ đồng. Thực tế cho thấy phần lớn tài sản thế chấp của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng gắn liền với BĐS.
Hiện giá đất vẫn còn rẻ trong khi nhu cầu lớn đã khiến Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng đối với các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS nước ngoài. Trong vài năm tới, chúng tôi dự báo sẽ có một cuộc đổ bộ tương đối ồ ạt của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh, thanh lọc trên thị trường này. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM |
Thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trên địa bàn TP.HCM có khoảng 500 dự án đang ngừng triển khai, đây là “phần chìm của tảng băng hàng tồn kho” nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hợp lý và hiệu quả để xử lý triệt để vấn đề này. Đây được xem là nguồn hàng vô cùng dồi dào và rất cần nguồn vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài mới có thể nhanh chóng “rã băng” được khối nợ xấu.
Nhìn từ phía nhà đầu tư, ông Phạm Nghĩa Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần TDS (chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire), cho biết: Điều nhà đầu tư ngoại quan tâm hơn cả đó là sau vòng đời đầu tư thì việc rút vốn có dễ dàng không. Bởi thủ tục và thời gian cho việc kiểm toán, thanh quyết thuế không hề đơn giản và nhanh chóng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào Việt Nam họ ngại nhất là thủ tục. Do đó, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn rót vốn vào thị trường địa ốc Việt Nam thì chính sách phải ổn định, triển khai vận hành phải minh bạch, thủ tục hành chính phải nhanh gọn. Mặt khác, việc tiếp cận để tìm hiểu thông tin của những dự án cũng không hề dễ dàng. Thời gian qua, các dự án nhà ở thu hút được nhà đầu tư ngoại thường là “đất sạch”, các thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đã hoàn chỉnh.
Cũng theo ông Dũng, hiện cơ hội đầu tư BĐS vào Việt Nam còn rất cao. So với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan thì giá thành sản phẩm BĐS của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Chẳng hạn, cùng mức tiền 100.000-150.000 USD (tức là tương đương 2,3-3,5 tỉ đồng) là đã đủ sức mua căn hộ ngon ở Việt Nam rồi nhưng cũng với số tiền đó không chắc đã mua được căn hộ ngang tầm ở Thái Lan.
Vốn FDI năm 2017 đạt 36 tỉ USD Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính từ đầu năm đến ngày 20-12, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tính trong bốn năm qua, lượng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, từ 20 tỉ USD năm 2014 lên mức gần 36 tỉ USD năm 2017. Nếu phân chia theo lĩnh vực đầu tư, trong một năm qua các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực; trong đó đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh BĐS với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỉ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong 12 tháng đầu năm 2017, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỉ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,49 tỉ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,3 tỉ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. |