Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng

“Đảng trong dân” và nghĩa xóm giềng

“Gạo đến, gạo đến! Nhận gạo đi bà con ơi!” - ông Nguyễn Văn Chính, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường 1, quận 11, mang gạo đến trước cổng nhà ông H. trong khu phố nói câu quen thuộc. Từ nhiều năm nay, cứ mỗi tháng những hộ có hoàn cảnh khó khăn lại được nhận 10 kg gạo từ số tiền ủng hộ của người dân trong khu phố.

Đảng viên là người khơi nguồn

Gần đó, nhiều người dân nghèo ở phường 11 cũng thấy ấm lòng trước những ngày tết sắp đến bởi những tình cảm của láng giềng, người giúp đa phần là đảng viên. Trong căn nhà 19/3/13 Bình Thới, ông Lê Văn Chiến xúc động: “Sức tôi yếu rồi, hơn một năm nay nhà tôi được một đảng viên cùng khu phố giúp mỗi tháng 500.000 đồng, số tiền này phần nào giúp gia đình tôi bớt chật vật khi mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào việc may gia công của vợ. Hai đứa con đang học ĐH cũng được phường hỗ trợ học bổng”. Ông Chiến cứ nhắc đi nhắc lại rằng số tiền ấy giúp ông ấm lòng lắm khi mà hơn chục năm nay gia đình ông rời tỉnh Đồng Tháp lên đây sinh sống, không có lấy một người thân. Vậy nhưng vừa rồi phường làm hồ sơ đề nghị khen thưởng gương người tốt thì đảng viên kia đã từ chối.

Ông Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND phường 11, cho nhiều đảng viên và quần chúng nhân dân nhiệt tình giúp những người nghèo khó hơn mình. Cô D. hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng cho năm hộ nghèo (mỗi hộ 300.000 đồng/tháng) được nửa năm nay. Chú M. hằng quý cho dân nghèo 100 phần quà gồm gạo, nước tương, dầu ăn… Cứ đến gần ngày phát quà, ông thông báo cho phường để phường tự lên danh sách hộ nghèo cần nhận quà rồi phát thư mời đến nhận. Một đảng viên khác vận động được 100 triệu đồng để chăm lo học bổng, hỗ trợ hộ nghèo…

Bà Ba giao liên xúc động đón nhận những bịch quà là gạo, đường, dầu ăn… từ bà con khu phố góp cho hằng tháng. Ảnh: T.MẬN

Từ việc làm của nhiều đảng viên đã dấy lên phong trào tương thân tương ái trong nhân dân trên địa bàn phường. Một người dân ở đường Tên Lửa đã góp trên 28 triệu đồng để mua 100 thẻ BHYT cho người nghèo ở đây. Ông Trí kể: “Trong một lần họp dân, ông tôi nói rằng ở phường ta có những người khá giả nhưng cũng có những người khó khăn cùng cực. Trong một nhà kia, có bà già chăm sóc cho ông già. Bà không dám bệnh vì bệnh nữa thì giường đâu mà nằm đủ cho hai người. Nghe tôi kể xong, chị Th. bán cơm rơm rớm nước mắt nói sẽ hỗ trợ mỗi tháng 1,5 triệu đồng để giúp gia đình kia và bốn nhà khác nữa. Chị bán cơm đã giúp người nghèo được gần một năm nay”.

Một người gặp khó, cả xóm chung tay

Trên 125 triệu đồng là số tiền do hơn 250 lượt đảng viên và nhân dân góp lại chăm lo cho các hộ nghèo tại phường 1, quận 11 trong năm năm qua. Từ số tiền này, hằng tháng phường hỗ trợ gạo cho 12 hộ nghèo, giúp những gia đình gặp khó khăn đột xuất, hỗ trợ học phí cho những trẻ em có nguy cơ bỏ học, giúp người bệnh nan y, lo chi phí ma chay, xây nhà tình thương cho người nghèo.

“Chị Di, năm nay góp được hơn 3 triệu, cô Mỹ góp 100 suất gạo, bà Nguyệt mỗi tháng góp 500.000 đồng, bà tổ trưởng Hồng Phát mỗi tháng 100.000 đồng…” - ông Chính lẩm nhẩm. Tất cả mọi sự đóng góp được tập trung một đầu mối chỗ ông Chính rồi ông cùng một cán bộ phường đi mua gạo phát tận nhà cho bà con. Ai trong khu phố gặp chuyện không may cũng được trợ giúp đột xuất. Bà Út bị ung thư được người dân góp hơn 10 triệu chữa bệnh. Nhà anh K. sập sệ quá được hỗ trợ 25 triệu đồng cùng với Mặt trận Tổ quốc giúp 55 triệu đồng nữa để xây nhà tình thương…

Sáng sớm, một phụ nữ trong tổ 21, phường 1 mang mấy bịch quà gồm đường, dầu ăn, gạo, nước tương mang đến cho bà tổ trưởng Hồng Phát. Khi tôi vừa đến chơi nhà, bà Phát nói: “Bà Đẹp mới mang qua cho tui mấy bịch quà kêu chuyển giùm cho bà Sáu Vespa, thằng Tấn, bà Đào, bà Lú... Bả cho thêm bà Ba giao liên bịch thuốc Nam uống cho khỏe người nữa. Để tui đi phát rồi về nói chuyện sau”.

Bà Đẹp cũng không phải giàu có gì, đã hơn 60 tuổi nhưng bà để dành tiền quà bánh con cháu cho để mua quà tặng người nghèo khó hơn. Nhận quà, bà Ba cảm động: “Ngày trước tui làm giao liên cho phường nhưng không thuộc diện biên chế và đã nghỉ việc mấy năm rồi, bà con thương tình gọi chết danh là bà Ba giao liên. Cách đây mấy tháng bị té gãy chân. Từ đó đến nay tháng nào cũng nhận đều 10 kg gạo và quà các loại. Không có bà con giúp tui không biết sống sao. Mà tội lắm, người ta đi phát tận nhà chứ không để mình đi lấy, họ nói của cho không bằng cách cho”.

Tháng trước, có một người đàn ông qua đời, ông không vợ con, sống với gia đình và có dấu hiệu tâm thần, gia cảnh khó khăn. Lúc ông sống, hàng xóm góp tiền mua gạo sang thăm nom, cùng gia đình dọn chăm sóc. Nghe tin ông mất, hàng xóm xúm lại. Bà Tư cho 2 triệu đồng, anh A. cho 50.000 đồng, bác Phú cho quan tài, chú Trung gánh phần cơm nước, mấy người khác lo thuê dàn nhạc, hỏa táng... Cả xóm của ít lòng nhiều lo trọn đám tang cho ông, sau tang lễ, còn ít tiền để cho gia đình lo đám thất.

Mới đây, Ban chỉ đạo giảm nghèo, tăng hộ khá TP đã đánh giá phường 11 là một trong những mô hình tiêu biểu giúp người nghèo, trong đó nổi trội là hai phường 1, 11. Những người có tấm lòng thơm thảo ở nơi này đều có chung một điểm: Không muốn xuất hiện trên báo bởi họ quan niệm “Mình giúp người ta mình cũng vui mà, có đáng gì đâu”.

Tình làng nghĩa xóm vẫn luôn hiển hiện giữa đô thị Sài Gòn. Và với việc khơi nguồn tình làng nghĩa xóm của những đảng viên ở đây, hình ảnh “Đảng trong dân” càng trở nên gần gũi.

THANH MẬN

 

Hằng tháng chi bộ của phường gom những đồng tiền tình nghĩa ấy lại, có đảng viên góp 100.000 đồng, có người góp 200.000 đồng, người thì vài thẻ bảo hiểm… Trong phường có bao nhiêu hộ nghèo, hộ nào nhận được gì, của ai cho, chúng tôi đều lên danh sách, đóng dấu rồi bỏ vào bì thư gửi đến cho những người đã giúp họ để người ta tin rằng đồng tiền của mình đã đến được người cần giúp. Chúng tôi làm vậy để khi cần thiết thì mạnh thường quân tự đi xác minh biết được tiền mình giúp có được chuyển đúng, chuyển đủ hay chưa.

Ông  NGUYỄN VĂN TRÍ, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận 11, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm