GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Nội thành Hà Nội, TP.HCM được phạt gấp đôi mức phạt chung

Nhiều ý kiến đồng tình bãi bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, đồng thời yêu cầu cân nhắc thêm quy định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Một số ý kiến đề nghị tách phần các biện pháp đưa vào trường giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc khỏi luật này, thực hiện các biện pháp này theo thủ tục tư pháp, giao tòa xét xử, phán quyết để đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch.

Đã có ý kiến lo ngại sự xuất hiện trở lại của biện pháp phạt lao động công ích sẽ biến cả nước thành “đại công trường”, chính quyền kiểm tra, giám sát thi hành không xuể dẫn đến tình trạng xử phạt theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia vẫn rất đồng tình với nét mới đột phá trong dự luật sửa đổi lần thứ 5 này khi trao quyền cho chủ tịch UBND phường, xã xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng” tối đa 24 giờ tại địa phương người vi phạm cư trú. Biện pháp này dùng xử phạt nhóm hành vi vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Đây là hình thức phạt mang tính giáo dục cao, tác động vào lòng tự trọng, sự xấu hổ của người vi phạm, giúp họ nhận thức lỗi lầm với cộng đồng.

Về trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC nhưng lại để quá hạn dẫn đến người vi phạm được hưởng lợi, miễn phạt, có ý kiến đề nghị cần có quy định chế tài cụ thể, tránh việc làm lơ, kéo dài việc xử lý…

Do đặc thù của một số đô thị lớn (TP.HCM, Hà Nội), mức phạt tiền chung chưa đủ răn đe nên trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Chính phủ đã cho phép “áp dụng thí điểm” mức phạt tiền cao gấp hai lần so với mức phạt chung. Dự thảo lần này chính thức luật hóa nhu cầu từ thực tiễn trên với phạm vi áp dụng không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực vi phạm giao thông như Nghị định 34/CP mà mở rộng cho cả trong lĩnh vực vi phạm môi trường và trật tự quản lý đô thị…

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết các ý kiến này sẽ được báo cáo với Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII để xem xét tại phiên họp thẩm tra dự luật vào hôm nay (17-10).

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm