Tam nông nhìn từ một chủ trang trại

12 năm, ông Nguyễn Lại Đức đã tậu trên 700 công ruộng (70 ha), biến vùng đất phèn thành trang trại cơ giới hóa.

12 năm, tích tụ trên 700 công ruộng

Hơn chục năm trước, cánh đồng Tám Ngàn ở xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) còn là vùng phèn chua, um tùm cỏ dại. Nhiều nông dân đổ về đây nhận đất mỗi hộ 3 ha để canh tác lúa, mỗi năm chỉ trồng được một vụ nhưng chưa khi nào đạt năng suất 4 tấn/ha. Sau vài vụ đã có rất nhiều hộ mắc nợ và kêu bán đất giá rẻ như cho nhưng cũng không ai mua.

Thấy đất rẻ, ông Đức suy nghĩ tại sao mình không thử sức một phen. Ông vào Lương An Trà mua gần chục công ruộng trồng lúa thử nghiệm. Trước khi bắt tay vào làm lúa, ông tìm đến cán bộ nông nghiệp học hỏi cách cải tạo đất phèn, tìm lại những nông dân từng trồng lúa thất bại hỏi thăm. “Hỏi ra mới biết nguyên nhân thất bại là do kỹ thuật canh tác. Tôi thấy đất ở đây rất tốt, thế mà nhiều hộ vẫn cứ bón phân đạm rất nhiều. Vì là vùng đất hoang hóa và rừng tràm ngày trước nên độ mùn rất cao, nếu sạ lúa sẽ đỡ tốn rất nhiều phân. Việc cần làm là trị phèn để cây lúa không bị quéo rễ mà chết”. Ông thắng được phèn chỉ bằng việc bón phân lân.

Ngay vụ trồng thử nghiệm vào năm 1997, lúa của ông Đức đã cho năng suất vượt trội 5 tấn/ha. Sẵn có một số vốn từ lợi nhuận của cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, ông Đức bắt đầu gom ruộng. “Lúc đó, giá mỗi công đất chưa được nửa chỉ vàng. Có mình mua bà con làm ăn trước đây thất bát lại càng thích bán. Do đó, tôi tích tụ đất rất nhanh. Không mấy năm sau tôi đã có vài trăm công đất. Và đến nay thì đã cầm chắc trong tay trên 700 công (70 ha)” - ông Đức cho hay.

Cơ giới hóa thuộc hàng nhất tỉnh

Song song với việc gom đất ruộng, ông Đức trang bị luôn các máy móc nhằm cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Hiện thời, trang trại của ông gần như hoàn chỉnh mô hình sản xuất khép kín. Từ máy sạ hàng đến máy gặt, máy tuốt và nhà kho... Mới đây, Trường đại học Nông lâm TP.HCM cho ông mượn một máy làm đất bằng tia laser. Ngoài chuyện làm đất “phẳng như tấm ván”, nó còn giúp ông tiết kiệm được nước tưới và giảm thiểu nhiều chi phí. “Cả vụ lúa đông xuân này, trên 700 công đất của tôi chưa phải tiêu tốn đồng nào cho việc phun thuốc trừ rầy” - ông khoe.

Đến trang trại ông Nguyễn Lại Đức vào mùa thu hoạch lúa, chúng tôi ngỡ ngàng. Một cái máy tuốt nhập từ Nhật Bản đang hoạt động hăng hái trên đồng, mỗi ngày giúp ông Đức thu về hàng trăm giạ lúa. Chỉ hơn chục ngày, cái máy tuốt chỉ với hai nhân công điều khiển đã thu hoạch xong toàn bộ 70 ha lúa. Trang trại được đắp bờ bao toàn bộ diện tích, vừa tiện việc giữ nước cho lúa, vừa tiện đường đi thăm ruộng, đưa cơ giới ra ruộng hàng ngày.

Tại đầu một bờ kênh là dãy nhà ở để cho hàng chục nhân công và nhà kho chứa lúa. Khoảng sân phơi rất rộng đủ phơi khô hàng chục ngàn giạ lúa chỉ trong vài ngày. “Trang trại của tôi chỉ cần khoảng chục nhân công lao động thường xuyên và khoảng 30 nhân công khi vào vụ thu hoạch. Mỗi lao động thường xuyên được tôi trả lương bình quân gần ba triệu đồng/tháng. Nhìn chung, khi canh tác một diện tích lớn và cơ giới hóa ở các khâu thì việc tiêu tốn nhân công đã giảm đi đáng kể. Sản xuất bằng cơ giới đã giúp tôi chủ động từ khâu gieo sạ đúng lịch thời vụ đến thu hoạch kịp thời và nâng cao được phẩm chất hạt lúa” - ông Đức cho hay.

Ông chủ trang trại Nguyễn Lại Đức.
Ông chủ trang trại Nguyễn Lại Đức.

Tâm tình về “tam nông”

Năng suất lúa của ông Đức ở vụ đông xuân 2008-2009 này lên gần chục tấn/ha nhưng ông Đức lại có nhiều nỗi lo: hạt lúa chưa đủ sức cạnh tranh, không kham nổi việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo ông, nhà nước cần sớm tổ chức lại sản xuất và sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp thu mua để bao tiêu sản phẩm và tránh ép giá.

“Hễ trúng mùa thì rớt giá, mà trúng giá thì lại mất mùa. Hiếm khi hai cái này đi song song được với nhau. Cả tỉnh An Giang chỉ vài ba người làm giàu từ tích tụ ruộng đất như tôi thì kinh tế địa phương sẽ rất khó phát triển. Do vậy, việc quy tụ nhiều nông dân vào làm ăn tập thể để có sản phẩm dễ bán đang là nhu cầu hết sức bức thiết” - ông Đức nói.

Ông Đức nhớ lại hai vụ lúa hè thu và thu đông năm 2007 giá lúa hạ, nhiều nông dân khóc ròng. Vụ đông xuân này chính quyền khuyến cáo nên hạn chế trồng giống lúa IR 50404 do khó bán. Tuy nhiên, thực tế năm nay bạn hàng lại sẵn sàng mua loại lúa này. “Nhiều năm rồi, việc tiêu thụ lúa gần như tự phát. Nông dân tự tìm đầu ra và giá cả lên xuống theo sự quyết định của các doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Đức tâm sự.

Nắm trong tay một trang trại trồng lúa cho phẩm chất gạo vượt trội hơn nhiều người nhưng vụ đông xuân này ông Đức vẫn hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (ANGIMEX) để trồng 7 ha lúa Nhật. Ông dự phòng khi thị trường ứ đọng như mấy vụ trước thì cũng còn đường gỡ gạc. Ông mong muốn nhà nước sắp xếp lại hệ thống thu mua lúa gạo hoặc bao tiêu nông sản như kiểu làm của Thái Lan.

Nỗi lo từ “dồn thửa”

Ông Đức nói: “Ngay từ buổi đầu, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện cần liên kết với nhiều nông dân khác. Tuy nhiên khó thực hiện vì người dân sợ phải đi theo “vết xe đổ” của mô hình các hợp tác xã kiểu cũ. Kế đến là chuyện liên kết tích tụ đất bị vướng phải hạn điền và thời hạn giao quyền sử dụng đất chỉ có 20 năm”.

Theo ông, việc cơ giới hóa trong sản xuất không khó. Bởi chỉ một mình ông đã có thể trang bị nhiều chiếc máy gặt, máy bơm, máy cấy... có giá hàng trăm triệu đồng. Nếu khuyến khích đúng cách thì chuyện mua sắm phương tiện sản xuất càng dễ dàng hơn, do nhiều người hùn sẽ có nhiều vốn đầu tư. Cơ giới hóa sẽ giúp sản phẩm làm ra có chất lượng tốt.

Theo ông Đức: “Để đi lên sản xuất lớn thì chính quyền địa phương cần quy hoạch lại vùng canh tác. Nơi nào phù hợp trồng lúa thì quy hoạch trồng lúa, nơi nào nuôi cá thì làm khu vực nuôi cá. Trong quá trình vận động người dân hùn vốn, góp đất làm ăn tập thể sẽ phát sinh những hộ không đủ điều kiện làm ăn theo kiểu hợp tác. Khi đó, nhà nước có thể lên phương án “dồn điền, đổi thửa” để có diện tích lớn dễ cơ giới hóa, cho ra hàng “xịn””.

Ông Vũ Quang Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhận xét: Mô hình tích tụ ruộng đất của ông Nguyễn Lại Đức rất lý tưởng trong việc đi lên nền sản xuất lớn. Ở đó, quá trình cơ giới hóa rất hiện đại, có thể nói là thuộc hàng bậc nhất tỉnh An Giang. Chúng tôi đang chọn nơi đây làm mô hình điểm để rút tỉa kinh nghiệm cho “tam nông” thời gian tới.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm