TP.HCM mở cơ hội cho cán bộ trẻ, tài năng

Sau một thời gian xem xét và cân nhắc, UBND TP.HCM đã chính thức phê duyệt Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại TP.HCMvà sẽ được thực hiện vào giữa năm nay (tháng 6-2014).

Động lực mới cho tuổi trẻ tài cao

Theo đề án, việc thi tuyển cạnh tranh được thực hiện đối với chức danh cấp trưởng và phó trưởng phòng của các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, các sở, ngành, quận/huyện. Toàn bộ những thông tin liên quan đến việc thi tuyển các chức danh sẽ được công khai rộng rãi. Việc thi tuyển này chỉ diễn ra khi có ít nhất từ hai người dự tuyển trở lên (cho một vị trí).

Đề án này cho phép các đối thủ từ những cơ quan, đơn vị khác nhau sẽ cùng tranh tài vào một chiếc ghế lãnh đạo, quản lý. Theo đó, ngoài công chức, viên chức do cấp ủy và tập thể lãnh đạo của cơ quan, đơn vị tuyển chọn giới thiệu thì công chức, viên chức các cơ quan khác của TP cũng được quyền đăng ký dự tuyển nếu có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đó. Điều này sẽ khắc phục tình trạng “sắp hàng, sống lâu lên lão làng” cũng như tình trạng trì trệ, sức ỳ trong công tác lãnh đạo của một số công chức, viên chức quản lý bấy lâu nay. Đồng thời cũng tạo động lực mới cho cán bộ trẻ có năng lực, hội đủ các điều kiện có thể đảm nhận được các cương vị lãnh đạo, quản lý trong đơn vị nhưng bấy lâu nay thiếu cơ hội để phát triển.

Thi tuyển cạnh tranh sẽ là động lực mới cho cán bộ trẻ có năng lực có thể đảm nhận được các cương vị lãnh đạo, quản lý trong đơn vị.Trong ảnh: Thi tuyển công chức tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Phần trung tâm buộc người dự tuyển phải thể hiện ngay từ khi đăng ký chính là phải có chương trình hành động. Tức là phải thấu hiểu thực trạng công tác mình sẽ nắm giữ trong tương lai; đề ra được đường hướng phát triển của lĩnh vực đó với những giải pháp cụ thể. Thậm chí là phải đưa ra một số tình huống cụ thể trong giải quyết công việc khi đặt mình ở vị trí đó, đồng thời xây dựng phương án tốt nhất để giải quyết tình huống này.

Năng lực là yếu tố quan trọng nhất

Trong cơ cấu điểm tuyển chọn thì hai phần quan trọng chiếm số điểm cao nhất là phần thi viết (chiếm 30% tổng số điểm) và phần thuyết trình để bảo vệ chương trình hành động trước hội đồng tuyển chọn (chiếm tới 40% tổng số điểm).

Ở phần thi viết, các ứng viên phải thể hiện sự am tường, chắc chắn trong nghiệp vụ và công tác lãnh đạo ở lĩnh vực mà mình sẽ quản lý trong tương lai. Phần thi thuyết trình chính là phần thi trọng tâm thể hiện tài năng của các ứng viên. Đây là phần thi nhằm đánh giá trình độ nắm bắt, sự nhạy bén, khả năng xử lý tình huống thực tiễn… những điểm cốt lõi để ứng viên chứng minh rằng mình có thể đảm trách một cách tốt nhất và mang lại hiệu quả cao nhất đối với vị trí tuyển chọn. Với phần thi này, các ứng viên cũng sẽ ăn điểm thông qua năng lực thuyết phục, năng lực tổng hợp, phong cách lãnh đạo, khả năng ứng xử linh hoạt khi trả lời những câu hỏi do ban giám khảo đưa ra. Phần thi thuyết trình được tổ chức một cách công khai và nhằm đảm bảo yếu tố khách quan, đề án này cho phép người dự tuyển có thể mời gia đình của mình dự khán.

Ngoài các phần điểm trên thì hai phần điểm còn lại gồm: Các tiêu chí cơ bản (đánh giá quá trình công tác, khả năng lãnh đạo, khả năng tập hợp, đạo đức nghề nghiệp) chiếm 25% điểm số. Còn phần điểm ưu tiên (thuộc diện chính sách, thâm niên công tác, có nghiệp vụ phù hợp, nữ giới…) chỉ chiếm 3%-5% tổng điểm.

Kết quả thi tuyển sẽ được công bố 10 ngày sau khi kết thúc hội nghị tuyển chọn. Căn cứ báo cáo kết quả tuyển chọn, cấp có thẩm quyền của đơn vị tuyển chọn sẽ ra quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, người trúng tuyển phải đến nhận công tác. Trường hợp chưa thể đến nhận công tác thì phải có đơn xin gia hạn và được sự chấp nhận của thủ trưởng cơ quan tuyển chọn. Nếu quá 15 ngày kể từ ngày gia hạn mà người trúng tuyển vẫn không đến nhận thì cấp ủy và ban lãnh đạo của cơ quan, đơn vị tuyển chọn sẽ xem xét chọn người xếp thứ hai để đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm.

MINH CƯỜNG

 

Góp phần hạn chế chạy chức, chạy quyền

TP.HCM chính là nơi đầu tiên đưa ra vấn đề thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý (từ năm 2004). Tuy nhiên, TP lại “đi trước về sau” trong việc này, sau khi nhiều địa phương (như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Tháp…) đã tổ chức thi tuyển cạnh tranh đến lãnh đạo cấp sở và Bộ Tư pháp cho hay sẽ tiến hành tổ chức thi tuyển cạnh tranh đến cấp vụ.

Có thể nói việc TP.HCM phê duyệt đề án thi tuyển cạnh tranh trên (dù chỉ dừng lại ở cấp trưởng/phó trưởng phòng) là một tín hiệu tích cực. Điều ấy cho thấy đã đến lúc một đô thị năng động như TP.HCM không thể chậm trễ hơn nữa trong việc đổi mới phương thức tuyển dụng cán bộ của mình, nhất là khi TP tiến tới xây dựng chính quyền đô thị - một chính quyền năng động hơn và đem lại hiệu lực, hiệu quả tốt hơn trong công tác quản lý.

Muốn thế đội ngũ cán bộ, nhất là đối với cán bộ ở các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, phải loại bỏ đi tính thụ động, trì trệ. Và chính phương thức cạnh tranh sẽ mang lại một luồng sinh khí mới để nâng cao chất lượng thực của đội ngũ cán bộ hiện nay. Nó là tiếng chuông cảnh báo cho những cán bộ lãnh đạo thiếu năng lực, “ngồi nhầm chỗ” không thể tiếp tục duy trì tác phong cũ của mình nữa, đồng thời mở ra cơ hội cho những cán bộ trẻ, có năng lực mà bấy lâu nay cơ chế của ta để cho họ đành phải làm “anh hùng núp”. Cán bộ khi được bổ nhiệm qua phương thức thi tuyển cạnh tranh chắc chắn cũng sẽ thấy mình xứng đáng hơn, từ đó mà sẵn lòng mang sức lực ra làm việc, cống hiến nhiều hơn. Mặt khác, phương thức thi tuyển cạnh tranh cũng sẽ góp phần hạn chế tư tưởng chạy chức, chạy quyền trong đội ngũ cán bộ bấy lâu nay. Từ đây làm cho bộ máy ngày được thanh sạch hơn, vững mạnh hơn, đáp ứng sự mong mỏi và mang lại niềm tin hơn cho người dân.

Trên tinh thần đó rất mong chính quyền TP sẽ sớm triển khai đưa vào thực hiện đề án này. Và chúng ta phải làm sao để sự về đích chậm trong vấn đề này sẽ được bù lại bằng những hiệu quả thực sự trong việc nâng chất đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của TP, góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển của TP trong thời gian tới.

TS LÊ VĂN IN (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM)

Tiến độ thực hiện đề án

- Từ 1-6 đến 30-9-2014 xây dựng kế hoạch thi tuyển.

- Từ 1-10 đến 31-12-2014 phê duyệt kế hoạch thi tuyển.

- Từ tháng 2-2015 đến 31-3-2015 tổ chức thi tuyển.

- Từ tháng 4 đến tháng 9-2015 tổ chức sơ kết và tổng kết rút kinh nghiệm về việc thực hiện đề án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm