Ý nghĩa của một tuyên ngôn văn hóa

Ôn lại và quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm của Ðề cương văn hóa 1943, và đường lối văn hóa - văn nghệ của Ðảng không chỉ là công việc của các nhà khoa học, của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức mà còn là công việc quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn, thành công của Ðảng trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Giá trị lịch sử của Ðề cương văn hóa năm 1943

Bất cứ một học thuyết nào cũng ra đời và phụ thuộc bởi hoàn cảnh cụ thể, và khó tránh khỏi những hạn chế lịch sử. Ðề cương văn hóa năm 1943 cũng vậy. Chính đồng chí Trường Chinh, người khởi thảo văn kiện này, trong Diễn văn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời của Ðề cương về văn hóa Việt Nam (1983) cũng chỉ rõ: "Ðề cương về văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam".

Thời kỳ ra đời của Ðề cương là thời kỳ mà dân ta hầu hết còn thất học. Thực dân Pháp, phát-xít Nhật áp đặt tròng văn hóa nô dịch theo quyền lợi của thực dân đế quốc. Ðội ngũ trí thức phân tán, kẻ nệ cổ, kẻ theo Tây, kẻ theo Nhật; nhiều kẻ giả danh mác-xít trong Ðảng, giả danh yêu nước, như bọn tờ-rốt-kít, bọn vô chính phủ không ngừng tô vẽ cho mình, xuyên tạc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuyên tạc và hạ thấp dân tộc, đề ra nhiều loạn thuyết về các kiểu "tân văn hóa".

Nhiều trí thức chân chính nhận ra tinh thần dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc đang bị mai một hoặc không được thừa nhận mà đem lòng lo lắng. Nhà thơ Lưu Trọng Lư trong bài "Một nền văn chương Việt Nam" đăng trên báo Tao đàn số ra ngày 16-3-1939 đã xa xót than phiền: "Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Rồi xưa kia chúng ta là những người Tầu, gần đây chúng ta là những người Tây...".

Từ thực trạng đó, ông cảnh báo rằng: "Khi ta bước tới một cuộc đời quốc tế thì cái gì sâu xa, chân thực trong tâm hồn, trong cuộc đời Việt Nam đã rụng rời hết...". Ðiều đó cho thấy, bảo tồn và phát huy tinh thần dân tộc, văn hóa dân tộc đã được đặt ra như một việc sống còn.Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra quyết liệt. Nhật Bản vào Ðông Dương. Pháp đầu hàng Nhật. Dân ta rên xiết dưới hai, ba tầng áp bức. Trong họa có phúc. Lúc hiểm họa nặng nề gần đến chỗ cùng cực thì cũng chính là lúc thời cơ giải phóng dân tộc xuất hiện. Ðảng ta sớm nhận thấy khi hai đế quốc cùng chiếm cứ một nước, nhất định chúng sẽ cắn xé, loại trừ nhau.

Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương tại Pác Bó (tháng 5 năm 1941) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ nhận định đúng tình hình đó, chỉ rõ thời cơ có một không hai để giành độc lập dân tộc đang đến. Nhiệm vụ cần kíp lúc này là tập hợp mọi lực lượng dân tộc kể cả tư sản, tiểu tư sản dân tộc, tiểu địa chủ, trí thức cùng với liên minh công nông đứng dưới ngọn cờ của Ðảng để đánh đổ chế độ thực dân - phong kiến, giải phóng dân tộc. Mặt trận Việt Minh ra đời.

Ðối với trí thức, như trên đã nói, có một bộ phận đã giác ngộ vào Ðảng, theo Ðảng làm cách mạng. Còn một phần lớn hoặc lẩn tránh thời cuộc, hoặc hoang mang dao động, tìm sự giải thoát theo những con đường khác nhau.

Có người cho rằng, người cộng sản và cách mạng vô sản không coi trọng đúng mức vai trò của người trí thức. Hoàn toàn ngược lại. Cách mạng bao giờ cũng gắn với tiến bộ, bao giờ cũng cần đến sức mạnh tri thức.

Từ Luận cương năm 1930 của Ðảng do đồng chí Trần Phú trình bày đã đặt ra và đề cao vai trò của văn hóa. Ngày 25-2-1943, Hội nghị Thường vụ Trung ương đề ra nhiệm vụ: Ðảng cần phải phái cán bộ chuyên môn về hoạt động văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát-xít thụt lùi. Ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế... phải gây ra những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa và trí thức...

Trong Ðề cương văn hóa, vai trò của văn hóa đã được xác định hết sức đúng đắn: "Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Ðảng mới ảnh hưởng được dư luận (tức là mới ảnh hưởng, thu hút được quần chúng- mở ngoặc của chúng tôi), việc tuyên truyền của Ðảng mới có hiệu quả...". "Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội".

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) tháng 7-1998 khẳng định: "Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Ðảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng".

Ðề cương văn hóa có giá trị soi sáng về nhận thức, về phương pháp luận. Ý nghĩa lịch sử lớn lao của nó là đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, một nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau đó vài năm, và là hạt nhân làm nảy nở, phát triển sức mạnh văn hóa, sức mạnh dân tộc trong hai cuộc kháng chiến tiếp theo.

Những trí thức lớn, những người trong cuộc đã đánh giá: Ðề cương là "một văn kiện cứu nước, một bản hịch văn hóa" (Viện sĩ Hoàng Trinh). Nhà thơ Huy Cận viết: "Năm 1943, anh chị em làm văn thơ và nghệ thuật chúng tôi đã tiếp nhận Ðề cương về văn hóa của Ðảng với một tấm lòng rất náo nức, phấn khởi. Vì chúng tôi thấy Ðảng Cộng sản đã rất coi trọng vấn đề dân tộc, để lên hàng đầu trong các phương châm, điều đó thỏa mãn lòng mong đợi của chúng tôi, những người mang hoài bão thiết tha về dân tộc, về văn hóa dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên, mà Ðề cương mới ra đời đã nhanh chóng tập hợp được nhiều nhà văn hóa, nhiều văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa cứu quốc, Bản Ðề cương chứa chan tinh thần dân tộc, tinh thần cố hữu của giống nòi, đồng thời nó cũng mở ra triển vọng xây dựng một nền văn hóa mới sau khi giải phóng, hợp với xu thế của thời đại". Giáo sư Ðặng Thai Mai khẳng định: "Ðề cương văn hóa xác định thêm niềm tin của tôi". Nhà thơ nghệ sĩ sân khấu Trần Huyền Trân cảm nhận: "Ðề cương không chỉ là những cặp mắt của trí tuệ, của tình cảm lớn thấu suốt... mà còn là ý chí sắt thép, chiến thắng ngoại xâm. Ðề cương ấy soi mãi bước chân đi...".

Ý nghĩa thời sự và những bài học thực tiễn

Ðể tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển, chúng ta cần có điểm tựa. Ðiểm tựa đó chính là văn hóa, là tinh thần dân tộc. Ðồng thời cần phải có hành động và những nguyên tắc cho hành động của người cách mạng.

Ðã có hàng trăm, hàng nghìn cách hiểu và định nghĩa về văn hóa. Văn hóa trong Ðề cương mà chúng ta nghiên cứu ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa giá trị tinh thần.

Trong mục "Cách đặt vấn đề", Ðề cương xác định về phạm vi văn hóa: "Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật".

Chúng ta đang ở vào năm 2008, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng, về lĩnh vực văn hóa là: "Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế- xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế".

Bài học thứ nhất chúng ta nhận được từ Ðề cương là, luôn luôn xác định tầm quan trọng của văn hóa, đó chính là một mặt trận mà "Ở đó người cộng sản phải hoạt động", không thể sao nhãng, không thể coi hoạt động trong lĩnh vực này thì không có trách nhiệm ở lĩnh vực kia. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và là mục tiêu của cách mạng đúng như Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".

Bài học thứ hai là, cách mạng văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ðề cương viết: "Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành, phải do Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo". Ðó là một nguyên tắc bất di bất dịch. Bất cứ ai muốn thoát ly khỏi sự lãnh đạo ấy, bất cứ ai muốn đặt văn chương, nghệ thuật ra khỏi chính trị đều là siêu hình, đi ngược lại tinh thần khoa học và tinh thần dân tộc.

Bài học thứ ba là, cần khẳng định tính đúng đắn của ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, Ðại chúng hóa, Khoa học hóa. "Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, Ðề cương viết, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...".

Về nội hàm của các khái niệm, chúng ta cần phải hiểu trên tinh thần phát triển, nghĩa là cần có sự bổ sung và mở rộng, nhưng những nguyên tắc đó vẫn là kim chỉ nam cho các hoạt động sáng tạo, quản lý về văn hóa hiện nay. Giáo sư Ðinh Gia Khánh nhận định: "Và bất chấp một số hạn chế do điều kiện lịch sử quy định, Ðề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc trên là xuất phát điểm của công cuộc phấn đấu nhằm đưa văn hóa Việt Nam lên trình độ hiện đại, tiên tiến".

Hiểu đúng giá trị, đồng thời ngày nay chúng ta cũng phải có thái độ rõ ràng kiên quyết đối với sự phủ nhận hoặc xem nhẹ các nguyên tắc trên.

Trong bài "Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này" Tổng Bí thư Trường Chinh từng viết:

"Phàm cái gì chống lại tinh thần độc lập dân tộc và thống nhất, phải thẳng cánh đập tan.

Phàm cái gì trái khoa học, phản tiến bộ, phải kiên quyết bài trừ.

Phàm cái gì phản đại chúng, xa đại chúng, phải nhất luận phê phán".

Soi vào tình hình ngày nay, khi mà hiện tượng lai hóa khá phổ biến, khi mà không ít người tuyệt đối hóa vai trò cá nhân hoặc đi vào sự xa lạ, kỳ bí, thế mà vẫn không ít ngộ nhận, coi đó là "đổi mới", không ít người biết và dám tỏ thái độ rạch ròi, phải chăng đó là điều xa lạ với thái độ khoa học, thái độ của người cộng sản?

Trước đây, có người hồ nghi và không muốn thừa nhận tính đại chúng của văn nghệ, coi văn nghệ là thứ cao sang, siêu phàm, không thể từ công, nông, binh và phục vụ công, nông, binh. Chúng ta không đồng tình về cách hiểu, cách làm máy móc nhưng mọi thái độ, lập luận coi thường quần chúng nhân dân - người sáng tạo ra mọi giá trị lịch sử cần được phê phán vì như thế nó không những không có tính nhân dân, tính dân tộc mà còn trái với tinh thần khoa học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Người yêu cầu và cũng chính là hướng dẫn: sáng tạo văn nghệ phải "phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh", phải "bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, trang 368).

Nói đến văn hóa, không chỉ nói đến văn nghệ mà trước hết và rất đỗi quan trọng là tư tưởng, lý tưởng, là việc xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Mỗi con người, mỗi dân tộc sẽ không biết về đâu nếu không có một lý tưởng cao đẹp và hết lòng phấn đấu cho lý tưởng đó. Lý tưởng, con đường của chúng ta đã được lựa chọn, chính là con đường độc lập dân tộc gắn với CNXH. Muốn xây dựng thành công CNXH, như Bác Hồ từng chỉ rõ, phải có con người XHCN. Con người XHCN, con người mới Việt Nam là con người mang đầy đủ những tinh hoa của nét đẹp truyền thống, và phải tiếp thu được tinh hoa của thời đại, của toàn nhân loại. Giáo dục lý tưởng cho thanh niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là vấn đề cốt tử được Bác Hồ luôn tâm niệm và nhắc nhở.

Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng nhấn mạnh: "Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam".

Muốn làm tốt giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, trước hết, phải làm tốt công tác xây dựng Ðảng, đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", để mỗi đảng viên, cán bộ và cả thế hệ đi trước là tấm gương sáng để lớp trẻ soi mình. Câu "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" luôn là câu để nhắc nhở, dè chừng vì nó mang ý nghĩa của nguyên nhân, kết quả...

Có người nói: "Những vấn đề nêu trong Ðề cương đơn giản quá, ai cũng biết"... Ðây là câu nói của hàng chục năm sau, điều đó phần nào chứng tỏ tính đúng đắn, sức sống mãnh liệt của Ðề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, là sự thấm sâu của nhận thức một cách tự nhiên.

Ðiều đó cũng nói lên rằng, trên cơ sở của Ðề cương, mỗi thời đại cần phải không ngừng phát triển, hoàn thiện lý luận, đường lối về văn hóa, văn nghệ, biết đề ra những giải pháp và chính sách thích hợp, nhằm khơi dậy sức sáng tạo vô bờ của nhân dân, biến cách mạng văn hóa dưới sự lãnh đạo của Ðảng thành một ngọn sóng trào dào dạt, cuốn phăng mọi rác bẩn từ hủ tục, lai căng; thành sự hồ hởi và sức mạnh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; dâng cao nét đẹp tính người và lòng tự tôn dân tộc.

Cách đây 600 năm, Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô đại cáo: "Duy ngã Ðại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang" (Nước Ðại Việt ta, vốn thực là một nước văn hiến). Trên mảnh đất gian khổ nhưng tươi đẹp và linh thiêng, tràn đầy sinh khí, nước Việt Nam ta từng hun đúc cho mình một nền văn hóa mang tính nhân văn cao cả; và "tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau", song nhân tài, hào kiệt đời nào cũng có.

Ngày nay, có tư tưởng chỉ lối sáng suốt của Ðảng, của Bác Hồ vĩ đại, có cơ hội tốt nhất để giao lưu văn hóa, hòa nhịp cùng thế giới, nhất định chúng ta sẽ giành được những thành tựu rực rỡ hơn trong đời sống văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng con người và cuộc sống. Niềm tin ấy, không gì có thể lay chuyển.

NGUYỄN SĨ ĐẠI - (Theo Nhân Dân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm