Mặc dù các tuyến đường Mậu Thân, 30 Tháng 4, Ba Tháng Hai, Nguyễn Văn Cừ tại TP Cần Thơ đã được nâng cấp mở rộng nhưng vào khoảng 7 giờ sáng, mọi người qua lại chật vật vì ô tô nối đuôi nhau đậu dày đặc hai bên đường.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tuyến đường khác.
Xe cộ phải đậu tràn ra lòng đường
Vỉa hè của đa số tuyến đường cũng trở thành nơi đậu xe của các hàng quán, người đi bộ phải đi dưới lòng đường.
Một phần lòng đường được sử dụng làm bãi giữ xe tạm. Đơn cử như phần lòng đường Châu Văn Liêm, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Võ Văn Tần được cơ quan chức năng cho thuê làm bãi giữ xe máy, ô tô; bãi đậu xe hàng khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp...
Theo Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, có 39 tuyến đường được sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông và các tuyến đường sử dụng lòng đường để đậu xe ở quận Ninh Kiều. Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu UBND TP cấp phép thêm 101 tuyến đường được sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông và sử dụng lòng đường để tổ chức dừng, đậu xe có thu phí hoặc không thu phí.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, thừa nhận hiện Cần Thơ chưa có bãi đậu xe công cộng chuyên dùng. Hiện chỉ có bãi đậu xe tạm trên lòng đường và đậu tại không gian riêng. Do đó các phương tiện phải đậu tràn ra lòng đường đô thị làm giảm khả năng lưu thông, gây ách tắc và mất an toàn giao thông…
Gần nửa đường Võ Văn Tần được cấp phép sử dụng làm bãi giữ xe. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Lòng đường Châu Văn Liêm (đường dẫn vào bến Ninh Kiều) được sử dụng làm bến xe hàng. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Đầu năm 2017, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết mạng lưới bến bãi đậu xe công cộng trên địa bàn đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn TP sẽ có bốn bến xe khách, 165 bãi đỗ xe công cộng. Đến năm 2030, mạng lưới bến bãi đậu xe trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ bao gồm sáu bến xe khách, 280 bãi đậu xe với tổng diện tích 50 ha. Tổng mức đầu tư là 1.113 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa.
Quy hoạch nói trên sẽ ưu tiên thực hiện các dự án bến xe khách, bãi đậu xe buýt kết hợp điểm đầu điểm cuối, bãi đậu xe hàng và các bãi xe công cộng. Đến năm 2020, quận Ninh Kiều sẽ có 68 vị trí đậu xe công cộng và 22 vị trí trên quận Bình Thủy. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai dự án còn khá chậm và gặp nhiều vướng mắc.
“Đầu tư bãi đậu xe chi phí quá lớn trong khi đó nguồn thu từ phí giữ xe lại quá thấp, tốc độ thu chậm nên các doanh nghiệp không mặn mòi. Bên cạnh đó, chúng ta không có sẵn đất sạch, phải thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Đây cũng là một trở ngại lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án” - ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, lý giải.
Một số dự án đang được đầu tư Hiện Công ty CP Bến xe tàu phà đang tổ chức thi công xây dựng Bến xe khách trung tâm Nam Cần Thơ giai đoạn 2 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Sở GTVT sẽ phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng Bến xe khách Ba Láng và nâng cấp các bến xe còn lại theo đúng định hướng quy hoạch được UBND TP Cần Thơ phê duyệt. Bến xe khách Cần Thơ - đường 91B cũng đang có kiến nghị cho phép tiếp tục hoạt động, vận chuyển phục vụ hành khách đến hết năm 2018. Sau đó, bến chuyển về hoạt động tại Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ tại quận Cái Răng vào đầu năm 2019. HĐND TP Cần Thơ cũng có đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển TP nhanh chóng triển khai thực hiện bãi đậu xe trung tâm TP tại 12 Phan Đình Phùng (phường Tân An, quận Ninh Kiều). Chủ đầu tư sẽ hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư trong năm 2017 và tiến hành khởi công xây dựng vào quý III-2018. Đối với các bãi đậu xe còn lại, Sở GTVT đã lập danh mục các dự án gửi Sở KH&ĐT để đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của TP và tiến hành xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực triển khai thực hiện theo từng giai đoạn theo định hướng quy hoạch. Ông Lê Tiến Dũng,Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ |