Theo ghi nhận, tuy ngừng thu phí từ 9 giờ 10 sáng 4-12 nhưng tại trạm các ca, kíp trực bảo vệ, điều tiết và nhân viên thu phí vẫn thay ca đúng giờ. Lực lượng thanh tra giao thông và CSGT thường xuyên di chuyển qua lại trạm thu phí BOT Cai Lậy nhưng không vào trạm.
Trong ngày chỉ có hai vấn đề được nhiều người quan tâm. Thứ nhất, nhiều tài xế tiếp tục cho rằng vé qua trạm được chủ đầu tư bán ra là bất hợp pháp, không có giá trị do dùng vé cũ, xóa trị giá cũ rồi đóng mộc giá mới vào. Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, giải thích đó là do công ty tận dụng lại vé cũ, đóng mức giá mới đè lên (đã được giảm theo quy định mới) để tiết kiệm.
“Đây là vấn đề liên quan đến tài chính và thuế nên công ty đã có văn bản xin ý kiến ngành tài chính - thuế và được chấp thuận. Vả lại việc sử dụng lại như vậy tiết kiệm trong việc in ấn và đã có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành về tài chính - thuế” - ông Nguyễn Phú Hiệp nói.
Thứ hai là một chiếc xe kéo “khủng” của Tổng cục Đường bộ được điều từ Đà Nẵng vào đậu trước nhà điều hành BOT Cai Lậy. Điều này khiến giới tài xế bức xúc, cho rằng họ bị hăm dọa. Theo tìm hiểu, đây là chiếc xe chuyên dụng để kéo xe quá tải của Tổng cục Đường bộ là loại nhập từ Mỹ, giá hơn 8 tỉ đồng. Xe nặng 16,5 tấn, có thể kéo nâng đầu xe 30 tấn và kéo không nâng đầu đối với xe có tổng trọng tải khoảng 100 tấn.
Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), giải thích: “Cục Đường bộ là cơ quan được giao về các chức năng nhà nước về tổ chức và hoạt động của các trạm thu phí trên quốc lộ và đường cao tốc, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Chiếc xe chuyên dụng được điều tới để phục vụ điều tiết giao thông chứ không phục vụ cho nhà đầu tư BOT”.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã lên tiếng về những lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, do tình hình an ninh trật tự những ngày qua phức tạp nên tỉnh đã báo cáo trung ương và đích thân chủ tịch UBND tỉnh đã ra Hà Nội để cùng họp giải quyết khẩn vụ việc BOT Cai Lậy. Khi báo chí hỏi về việc có di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy hay không, ông Tuấn trả lời: “Đó là thẩm quyền của Bộ GTVT. Dự án nằm trên địa bàn của tỉnh, trước đó khi thực hiện dự án tỉnh đề nghị đầu tư ngân sách nhưng do trung ương sắp xếp vốn không được mới kêu gọi đầu tư”.
Riêng ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang, cho biết vị trí đặt trạm là do nhiệm kỳ trước nên ông không có ý kiến. Còn mức giá qua trạm do Bộ Tài chính quyết định chứ địa phương không quyết việc này.