Ngày 31-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT tải giảm giá thu phí qua các trạm BOT trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện việc giảm phí qua trạm BOT Nam Bình Định theo đúng lộ trình, mức giá đã thỏa thuận trước đó.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đưa ra ý kiến trên sau khi Bộ GTVT có văn bản cho giảm giá vé đối với các loại ô tô lưu thông qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 đặt tại thị xã An Nhơn (Bình Định) kể từ 0 giờ ngày 1-1-2018. Theo đó, mức phí mới giảm đều 5.000 đồng/lượt ô tô so với mức thu hiện hành.
Cụ thể, các phương tiện thuộc loại 1 từ 35.000 đồng giảm còn 30.000 đồng, loại 2 từ 50.000 đồng xuống 45.000 đồng, loại 3 từ 75.000 đồng xuống 70.000 đồng, loại 4 từ 120.000 đồng giảm còn 115.000 đồng, loại 5 từ 180.000 đồng xuống 175.000 đồng. Ngoài ra, giảm giá 50% giá vé đối với các xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới hai tấn (không kinh doanh), các loại xe buýt vận tải khách công cộng; xe biển xanh, xe chở rác thuộc các địa phương lân cận.
Trạm thu phí BOT Nam Bình Định giảm giá vé không đúng theo thỏa thuận với tỉnh Bình Định. Ảnh: TL
Ông Hồ Quốc Dũng khẳng định mức giảm giá vé đối với ô tô loại 1 không đúng với thỏa thuận trước đó giữa UBND tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các chủ đầu tư. Tại cuộc làm việc trước đây, các bên đã thống nhất giảm giá vé đối với ô tô loại 1 qua trạm BOT Nam Bình Định từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng/lượt. Mức giảm này đã được lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Định thông báo tại kỳ họp HĐND tỉnh này ngày 8-12.
Tuy nhiên, Bộ GTVT chỉ cho giảm từ 35.000 đồng xuống 30.000 đồng. “Mức giảm giá vé này không đúng với thỏa thuận với tỉnh nhưng Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không hề trao đổi gì lại với tỉnh. Quan điểm của tỉnh Bình Định là phải tiếp tục giảm phí BOT theo đúng với lộ trình, mức giá đã thống nhất” - ông Dũng nói.
Cũng theo chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ngoài mức thu phí cao tại các trạm BOT, người dân còn rất bức xúc trước tình trạng quốc lộ 1 vừa đầu tư nâng cấp, mở rộng đã bị hư hỏng trầm trọng; khoảng cách giữa các trạm BOT bất hợp lý, không đúng quy định.
Ngày 30-12, một tài xế cho dừng xe trên làn thu phí trạm BOT Nam Bình Định để phản đối. Ảnh: HT
Tại các kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, nhiều đại biểu bức xúc phản ánh gần hai năm qua, chỉ ngay sau khi đưa vào sử dụng, quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh này liên tục bị hư hỏng nghiêm trọng. Các nhà thầu cứ sửa chỗ này hỏng chỗ khác, càng sửa càng hỏng và hiện trạng mặt đường đang nát bét, tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Trong khi đó, trên cung đường chưa được 100 km giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 19 lại có đến ba trạm thu phí BOT với khoảng cách tối thiểu không đúng quy định. Trong đó, khoảng cách giữa trạm thu phí BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 tại thị xã An Nhơn và trạm BOT trên quốc lộ 19 tại huyện Tây Sơn chỉ 34 km.
Tình trạng bất hợp lý trên khiến người dân bức xúc, phản ứng. Ngày 30-12, một tài xế đã cho dừng xe khoảng 25 phút tại làn đường trạm BOT Nam Bình Định để phản ứng mức thu phí qua trạm này. Lái xe này cho rằng mình chỉ đi chưa được 8 km của đoạn đường xây dựng theo hình thức BOT nên yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định phải có làn thu phí riêng với mức thu tương ứng đoạn đường mà xe đi qua.
Trước đó, giữa tháng 11-2017, nhiều lái xe đã sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Nam Bình Định gây ách tắc giao thông kéo dài.