Quốc sách “Trăm năm trồng người” sao quá dễ dãi

Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã lên truyền hình trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, giải trình rằng người đại diện Bộ đã có sơ suất khi báo con số khủng đó gây bức xúc trong nhân dân. Đó chỉ là con số do các nhóm chuyên gia đề xuất mà thôi! GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng dự thảo đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông mà Bộ GD&ĐT trình Quốc hội không đáp ứng yêu cầu, trình bày chưa đầy đủ, thuyết phục; bên cạnh đó báo cáo tác động quá sơ sài, chỉ có vài trang giấy. Ngày 25-4, Bộ GD&ĐT đã có văn bản xin lùi thời gian trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình - SGK. Một dự án trọng đại, một quốc sách “Trăm năm trồng người”được trình bày trước Quốc hội sao lại có thể sơ suất dễ dàng đến vậy?

Về việc biên soạn đổi mới SGK, theo đề xuất của một nhà giáo, nguyên hiệu trưởng một trường PTTH thì việc viết và phát hành SGK, Bộ GD&ĐT chỉ cần ban hành chương trình giáo dục các bộ môn, kèm theo chuẩn kiến thức. Cho phép các nhà phát hành sách tư nhân tổ chức mời các chuyên gia, nhà giáo tâm huyết viết, soạn theo chương trình đã được ban hành, sau đó trình Bộ GD&ĐT thẩm định, cấp phép để in và phát hành. Ý kiến này có lẽ khó vượt qua “cửa ải” Nhà xuất bản Giáo dục - sân sau của Bộ GD&ĐT, cơ quan độc quyền in và phát hành SGK từ A tới Z hơn nửa thế kỷ qua. Cái “mỏ vàng” SGK siêu lợi nhuận này dễ gì ai buông, trừ khi có chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao.

Một vấn đề liên quan tới giáo dục cũng khá bức xúc lâu nay là việc sử dụng tiếng Việt quá kém của học sinh trung học và cả sinh viên ngữ văn đã được phân tích và tìm giải pháp nâng cao việc dạy học tiếng Việt bậc phổ thông tại cuộc hội thảo “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 25-4 vừa qua. Điều đáng nói là tại cuộc hội thảo này, các vị giáo sư, giảng viên ngành sư phạm đã mổ xẻ, nói lên sự thật về năng lực yếu kém tiếng Việt của sinh viên ngành sư phạm. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét: “Nghiệp vụ sư phạm là một trong những điểm yếu kém nhất của trường sư phạm và sinh viên sư phạm… Nói một cách hình ảnh là chúng ta đang đào tạo người thầy theo mô hình của thời đi bộ để dạy những con người đang sống trong thời đại ô tô, máy bay, tàu vũ trụ!...”. Nghĩa là hệ thống giáo dục - nhất là các trường sư phạm - những chiếc máy cái để đào tạo những người thầy tương lai đã quá lạc hậu. Còn GS-TS Huỳnh Như Phương, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, nêu câu hỏi: “Liệu đổi mới lần này rồi 10 năm sau chúng ta lại đổi mới tiếp nữa không?”.

Nhân chuyện đổi mới giáo dục, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong bài phỏng vấn đầu năm 1995, khi tôi hỏi rằng trong cuộc đời nổi tiếng thế giới của bà, bà đã có điều gì không ưng ý về chính mình, bà nói: Đó là thời gian bà làm bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bởi vì đó không phải là chuyên môn của bà nhưng cấp trên phân công thì bà phải làm. Và đó là thời kỳ đổi mới giáo dục lần đầu sau năm 1975, với dấu ấn đậm nét là cải cách chữ viết - loại chữ viết không chân, không có “cá tính” mà sau này đã bị bãi bỏ.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm