Từ điển xưa, từ điển nay

Ví dụ, thời gian gần đây tại TP.HCM và nhiều thành phố, hàng loạt quán Coffee take away, tức quán cà phê bán cho những người bận rộn, mua mang ra khỏi quán (chứ không uống tại quán), có quán dịch là “Cà phê mang đi”, có chỗ ghi là “Cà phê mang về”. Điều thú vị là cả hai cách dịch đều đúng, mặc dù từ “đi” phản nghĩa với từ “về”! Cũng rất thú vị khi có những câu mới đọc thì rõ ràng là sai văn phạm nhưng lại diễn tả được đúng tâm trạng nhân vật, như câu: “Ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp tới!” - thơ Thanh Tâm Tuyền; hoặc lời một bài hát: “Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi/ Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi”(ca khúc Biệt kinh kỳ của Minh Kỳ). Cả câu thơ và lời nhạc đều diễn tả tâm trạng lo sợ vuột mất, nuối tiếc ở thì tương lai nhưng lại viết “đã”.

Nhà văn - nhà nghiên cứu văn học Bằng Giang, trong tác phẩm biên khảoTiếng Việt phong phúđã bỏ công sức sưu tầm, trích dẫn từ kho tư liệu sách báo hàng trăm năm qua, giới thiệu hàng ngàn từ ngữ đa nghĩa cực kỳ lý thú của tiếng Việt nhưng có lẽ chẳng mấy người đọc nên sách chỉ in 1.000 cuốn từ năm 1997 mà đến nay phải vào các tiệm bán đại hạ giá! Đáng buồn hơn là bây giờ hằng ngày chúng ta vẫn phải đọc, phải nghe hoài những từ, những câu viết, câu nói thiếu chính xác hoặc gượng ép không cần thiết. Lỗi do những người viết, người biên tập lười đọc, lười suy nghĩ tìm tòi sáng tạo nên từ ngữ tiếng Việt đã không được dùng cho đúng. Đơn cử một từ thời thượng vẫn gặp hằng ngày: từngân hàng- nguyên nghĩa là nơi cất giữ vàng bạc, tiền của người dân gửi, sau phát triển thêm việc huy động vốn và cho vay. Thế nhưng rồi không hiểu sao những loại kho lưu trữ khác cũng được gọi là “ngân hàng”, như ngân hàng máu, ngân hàng tinh trùng, ngân hàng dữ liệu, ngân hàng đề thi… Và còn nhiều thứ “ngân hàng” gì gì khác nữa nghe rất buồn cười.

Nhắc chuyện chữ nghĩa không thể không nói đến từ điển - những mẫu mực về ngữ nghĩa. Những ai kỹ tính khi viết thường có cuốn từ điển tiếng Việt bên cạnh để tra cứu, tham khảo khi cần. Những nhà biên soạn từ điển thường là những học giả, nhà ngôn ngữ học hay ít nhất cũng là một nhóm giáo sư, giáo viên chuyên ngành. Trước 1975, những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng và đáng kính ở miền Nam như các giáo sư, học giả Lê Ngọc Trụ, Vương Hồng Sển, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Trương Văn Chình…, khi viết sách về ngôn ngữ hoặc từ điển tiếng Việt họ bỏ rất nhiều thời gian và công sức biên soạn, nhờ nhau hiệu đính, sửa tới sửa lui trước khi đưa xuất bản. Tôi từng may mắn được thấy cách làm việc cực kỳ nghiêm túc của cụ Vương Hồng Sển khi viết cuốnTự vị tiếng Việt miền Nam. Cụ không gọi là từ điển mà gọi là “tự vị”. Viết xong từ nào, cụ Vương ghi lên một tấm thẻ cất vào hộp giấy. Những từ nào còn ngờ ngợ, cụ đưa sang cho bạn thân cụ là học giả Nguyễn Hiến Lê hỏi ý kiến bổ sung cho chính xác (Nguyễn Hiến Lê gốc Bắc nhưng sống và làm việc ở miền Nam hơn nửa thế kỷ nên rất rànhtiếng nói miền Nam). Cái tựa sách ban đầu của cụ Vương là Tự vị tiếng nói miền Nam nhưng đã bị người làm sách - cũng là một nhà giáo - đã tự ý đổi thành Tự vị tiếng Việt miền Nam nên cụ rất giận. Trong lần trả lời phỏng vấn trước khi mất hai năm, khi nói về cuốn tự vị này, cụ Vương “hờn lẫy” nói với người viết rằng “nó không phải sách của tôi”. Còn hiện nay không ít từ điển tiếng Việt biên soạn rất cẩu thả. Có cuốn khi mở ra tra cứu thì tá hỏa vì cách giảng giải không thể nào hiểu nổi! Bởi nhiều “nhà từ điển” biên soạn bằng cách gom các từ điển lại, nhặt của cuốn này một số từ, lấy từ cuốn kia một mớ, rồi “biên soạn”lại thành một cuốn tự điển mới! Biên soạn kiểu xào nấu lộn xộn, lại cố ý làm cho khác đi nên nhiều từ bị sai lệch, mất cả ý nghĩa ban đầu.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm