Xây “móng” cho ĐH tư không sụp đổ

Thành lập một trường ĐH tư thục phi lợi nhuận đúng nghĩa ở Việt Nam là một công việc khó khăn do cơ chế, chính sách chưa ưu đãi, tiêu chí xác định còn mơ hồ, hành lang pháp lý còn thiếu. Để kiến giải vấn đề này, ngày 22-8, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã tổ chức hội thảo “Điều lệ trường ĐH phi lợi nhuận”. Buổi hội thảo nóng từ những phút đầu tiên vì những tranh luận mang tính sống còn của các trường ĐH tư thục.

Cứ ngoài công lập là vì lợi nhuận!

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, nhận định hệ thống các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã tồn tại được hơn 20 năm, trong quá trình đó chưa khi nào các trường xây dựng được tiêu chí để phân biệt hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Trong khi đó các văn bản của nhà nước hầu như coi các trường ngoài công lập là hoạt động vì lợi nhuận.

Minh họa cho việc chưa rạch ròi giữa trường phi lợi nhuận và lợi nhuận, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội), cho biết trường này đang hoạt động theo hướng phi lợi nhuận. Mà theo quy định thì trường phi lợi nhuận không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước nhưng những năm trước Chi cục Thuế TP Hà Nội vẫn yêu cầu trường nộp. “Sau nhiều lần đấu tranh, trường mới không phải đóng thuế” - ông Phương cho biết.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (phải): “Chúng ta cần gấp rút xây dựng các tiêu chí mô hình hoạt động không vì lợi nhuận”. Ảnh: H.HÀ

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng chỉ có trường của ông Phương mới không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn các trường khác vẫn phải chấp nhận nộp thuế mặc dù đi theo hướng phi lợi nhuận.

Bổ sung quan điểm trên, GS Quân cho rằng các chính sách của Nhà nước như thuế, đất đai đều hướng các trường vào hoạt động vì lợi nhuận, không có ưu đãi cho các trường hoạt động không vì lợi nhuận. Theo GS Quân, lẽ ra các chính sách ưu đãi đối với các trường phi lợi nhuận phải gần giống với trường công nhưng hiện chưa có điều đó. 

Nên chuyển sang phi lợi nhuận

Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, theo mô hình trường phi lợi nhuận thì khối tài sản tăng thêm được tái đầu tư cho trường vì vậy có lợi cho sinh viên, cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, các trường cần chuyển sang mô hình này. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp khó do vướng cơ chế.

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), cho rằng Luật Giáo dục ĐH là văn bản pháp quy của Nhà nước mà không bảo vệ giáo dục phi lợi nhuận thì có nguy cơ chết nhiều trường ĐH ngoài công lập, kể cả những trường tốt nhất, mạnh nhất về giáo dục, mạnh nhất về tài chính cũng có thể chết. Điển hình là Trường Hoa Sen đang “sống” rất mong manh. “Nếu trường phi lợi nhuận không được bảo vệ chặt về mặt pháp lý, nếu chúng ta không kiên quyết sửa điều này (Luật Giáo dục ĐH - PV) thì nhà đầu tư có thể làm được việc chuyển giá. Họ lập ra công ty để moi ruột trường ĐH, những cái chênh lệch thu chi sẽ từ trường ĐH chạy ra công ty của họ …” - bà Phượng chia sẻ.

Tuy nhiên, GS Trần Hồng Quân cho rằng việc chuyển đổi từ trường lợi nhuận sang trường phi lợi nhuận thực hiện được cũng không phải đơn giản. “Thực ra câu chuyện này liên quan đến việc sở hữu. Xung quanh vấn đề sở hữu là rất phức tạp... Nếu chuyển thì còn quá nhiều việc phải làm, như vấn đề về phân chia tài sản, rồi cấu tạo hội đồng quản trị, quy chế hoạt động...” - ông Quân bày tỏ.

Gấp rút xây dựng tiêu chí

Ông Trương Quang Mùi, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, hoan nghênh việc chuyển đổi từ lợi nhuận sang phi lợi nhuận, tuy nhiên cần có cơ sở pháp lý để cho các trường thực hiện. “Tôi đề nghị trong Điều lệ ĐH sắp ban hành sẽ quy định rõ ràng về các trường phi lợi nhuận để lấy đó làm căn cứ thực hiện” - ông Mùi nói.

Các đại biểu đề nghị sắp tới cần ngồi lại để xây dựng hệ thống pháp lý phân biệt các trường vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, kèm theo đó cần có hàng loạt chính sách của Nhà nước để phù hợp với từng loại trường. “Về mặt quốc tế, không vì lợi nhuận có ba tiêu chí: Thứ nhất là không chia lợi nhuận cho từng cá nhân hoạt động, thứ hai tài sản chung là của nhà trường nên không chia cho nhà đầu tư, thứ ba việc điều hành có thêm các thành phần xã hội chiếm tỉ lệ góp vốn lớn (60% trở lên)” - GS Quân dẫn chứng.

GS Quân cũng cho rằng đối chiếu với hoàn cảnh của đất nước ta thì những tiêu chí này chưa hẳn đã thích hợp. “Nhưng chúng ta xây dựng các tiêu chí để tìm kiếm mô hình hoạt động không vì lợi nhuận, để làm thế nào giải quyết được hàng loạt yêu cầu của xã hội, đồng thời tồn tại và nhân rộng ra thành nhiều trường” - ông Quân nhấn mạnh.

HUY HÀ

Mô hình phi lợi nhuận của Trường ĐH Phan Chu Trinh

Tại hội thảo, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, đã giới thiệu dự thảo mô hình hoạt động phi lợi nhuận của Trường ĐH Phan Chu Trinh (Quảng Nam). Theo mô hình, không phân phối nguồn thu và thặng dư đạt được cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào mà sử dụng nguồn này để tài trợ cho các mục tiêu của nhà trường, hướng đến lợi ích người học và cộng đồng. Cơ cấu tổ chức của trường sẽ có hội đồng quản trị, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, ban kiểm soát. Điểm đáng chú ý là hội đồng quản trị bao gồm những thành viên được tín nhiệm lớn trong và ngoài trường. Những tổ chức, cá nhân hiến tặng tài sản để đầu tư xây dựng trường thì vĩnh viễn không được hoàn lại mà chỉ được vinh danh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm