Đây là lời khuyên của bà Nguyễn Hương Trà, chuyên gia tư vấn độc lập về doanh nghiêp nhỏ và vừa Việt Nam đưa ra tại hội thảo “APEC thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dệt may” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, ngày 29-3.
Bà Trà dẫn chứng ví dụ trong quá trình nghiên cứu của mình là Công ty TNHH May TBT (Hải Dương) và cho rằng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn có ngách để đi, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, thời điểm Công ty TNHH May TBT thành lập (năm 2007), hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều đang tham gia vào phương thức gia công (CMT) nhưng TBT lại chọn cho mình con đường khác là bắt đầu từ ODM (tự thiết kế, sản xuất). Lãnh đạo công ty này cho biết nếu chỉ dừng ở CMT thì giá trị gia tăng thu về rất hạn chế. Đến nay, TBT đã tham gia được các phân đoạn khác nhau của chuỗi giá trị dệt may.
Dệt may Việt Nam mới chỉ dừng ở công đoạn gia công, lấy công làm lãi.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may trong nước nếu thị trường này có những biến động bất lợi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đánh giá ngành dệt may tham gia chuỗi cung ứng vẫn đang dừng lại ở mức bị động, chưa hướng đến nhu cầu của thị trường để tìm cách đáp ứng nhu cầu. Ngay cả bản thân các doanh nghiệp sản xuất hàng gia công cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.
"Trong khi đó, muốn phát triển và vươn ra các thị trường khu vực, quốc tế thì điều thiết yếu của doanh nghiệp là phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách trực tiếp hay gián tiếp. Do vậy, việc định vị được vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu là điều mà các doanh nghiệp dệt may phải hướng đến nếu không muốn chỉ dừng ở công đoạn gia công, lấy công làm lãi" - ông Tú đưa ra lời khuyên.