Bong bóng chứng khoán nguy hơn bong bóng nhà đất

Tại cuộc họp báo về Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm 29-11, chuyên gia kinh tế trưởng Martin Rama đã có những đánh giá rất đáng chú ý về thị trường tài chính và sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Tín hiệu tốt cho chứng khoán

Theo ông Martin, sau một năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam có rất nhiều chỉ số thuyết phục: tỷ lệ tăng trưởng cao dựa trên những thành tích nổi bật về đầu tư và xuất khẩu. Tính cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên và môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nhiều nước trong khu vực. Ngoài ra, thu ngân sách từ dầu giảm nhưng thu từ các loại thuế lại tăng và nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát (bằng khoảng 25% GDP)...

Tuy nhiên, ông Martin bày tỏ sự lo ngại trước sự phát triển của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Ông ví việc đó như chúng ta đang đi xe gắn máy với tốc độ 200 km/giờ mà không đội mũ bảo hiểm. “Thị trường chứng khoán phát triển rất mạnh, đẩy tỷ lệ vốn hóa lên cao là hết sức ấn tượng nhưng cũng rất nguy hiểm. Gần đây, chúng ta lo ngại bong bóng bất động sản sẽ vỡ nhưng nó còn không nguy hiểm bằng bong bóng trên thị trường chứng khoán” - ông Martin nhấn mạnh.

Theo ông Martin thì chưa có vấn đề gì lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc mọi người thận trọng hơn trong đầu tư chứng khoán gần đây là tín hiệu tốt lành. Những tháng gần đây thị trường chứng khoán có lên có xuống chứng tỏ nó đang đi đúng quỹ đạo, chứ không bất thường như ba tháng đầu năm là chỉ có lên. Thật khó tưởng tượng khi một thị trường chứng khoán tất cả những người chơi đều thắng.

Điều đáng lo ngại thứ hai, cũng theo ông Martin, là xu hướng thành lập ngân hàng và các công ty tài chính ngay trong các tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, FPT... Điều này sẽ ẩn giấu những bất ổn về lâu dài. Nếu họ dùng chính tiền của mình để đầu tư thì không sao. Nhưng họ sẽ huy động vốn của công chúng, sau đó thì người đi vay và người cho vay đều thuộc một cơ quan sẽ rất khó kiểm soát và đó là một nguy cơ.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khuyến cáo, trong quá trình cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh thì Việt Nam cần có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tận dụng công nghệ và kỹ năng quản lý của họ. Năng lực điều tiết của Ngân hàng nhà nước cũng bị đánh giá là còn yếu và cần được khẩn trương khắc phục.

Lo ngại khoảng cách giàu - nghèo

Đối với các nội dung sẽ được thảo luận tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2007, Giám đốc WB tại Việt Nam Ajay Chhibber cho biết, hội nghị năm nay sẽ tập trung vào chủ đề cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam khi thực hiện các cam kết WTO và khi bước qua ngưỡng các nước có thu nhập thấp. Các kế hoạch trung hạn phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn 2010-2015-2020 sẽ là nội dung được chia sẻ giữa chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng ODA sẽ “chảy” vào Việt Nam như thế nào khi Việt Nam vượt qua ngưỡng các nước có thu nhập thấp, ngài Ajay Chhibber nói: “Đến lúc đó, các nhà tài trợ sẽ không hào phóng với Việt Nam nữa. Các khoản viện trợ không hoàn lại, viện trợ ưu đãi sẽ được cắt giảm dần để chuyển sang các khoản vay thương mại. Tuy nhiên, trong ba, bốn năm tới, lượng ODA vẫn được đổ rất lớn vào Việt Nam và sau đó thì nó sẽ không biến mất hoàn toàn”.

“ODA sẽ giảm, vốn FDI sẽ tăng rất mạnh. Nhưng FDI sẽ chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định mà nhà đầu tư thu được nhiều lợi nhuận. Còn lại nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, hạ tầng... rất cần ODA” - ông Ajay Chhibber nói.

Giám đốc WB cũng cho rằng khi vượt qua ngưỡng các nước thu nhập thấp, thách thức lớn nhất của Việt Nam là làm thế nào để khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội không bị kéo dài ra. Và môi trường cũng luôn là một bài toán nan giải đối với các quốc gia đang phát triển mà Việt Nam không là ngoại lệ.

Chỉ số tiêu dùng tăng vì chính phủ mua nhiều USD

Liên quan đến chỉ số giá tăng cao (đã chạm mức 10%), theo ông Martin, còn một nguyên nhân nữa nằm ở chính sách tiền tệ của Việt Nam. Chính phủ đã mua quá nhiều USD, từ tháng Ba đến nay đã mua tám, chín tỷ USD. Mua nhiều USD đồng nghĩa với việc bơm một lượng lớn tiền đồng ra thị trường. Quá nhiều tiền đồng lưu thông cũng đồng nghĩa với lạm phát. Trong khi đó tỷ giá hối đoái với USD lại giữ gần như là cố định - 16.000 đồng.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm