Ngày 25-4, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, xác nhận Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) là đơn vị đầu tiên tại tỉnh này xây dựng được hai vùng trồng tuân thủ quy định chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR)
Theo ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk, hai vùng trồng cà phê đạt tiêu chuẩn EUDR của đơn vị có 8.000 hộ dân tham gia với tổng diện tích 9.500 ha, sản lượng hơn 35.000 tấn/năm.
Từ nay đến quý III-2024, công ty phấn đấu xây dựng được vùng trồng với diện tích 100.000 ha, sản lượng 300.000 tấn theo quy định EUDR.
Theo Simexco Đắk Lắk, yêu cầu của thị trường châu Âu ngày càng khắt khe. Hiện sản xuất cà phê không còn đơn thuần là tạo ra sản phẩm ngon, chất lượng mà đi kèm đó là trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Mới đây nhất là quy định chống phá rừng (EUDR) được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 29-6-2023 và áp dụng từ ngày 30-12-2024.
Theo quy định trên, thị trường châu Âu đưa ra yêu cầu cấm nhập khẩu nông sản (trong đó có mặt hàng cà phê) sản xuất trên đất có nguồn gốc gây mất rừng, gây suy thoái rừng.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng thị trường châu Âu ngày càng khắt khe, đặt ra nhiều thách thức cho ngành hàng cà phê nước ta.
“Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường là mệnh lệnh cho nhà sản xuất. Để đáp ứng với yêu cầu của thị trường, phải làm sao để sản phẩm cà phê xuất khẩu ra nước ngoài không liên quan đến đất rừng, phá rừng, canh tác trên đất rừng” - ông Văn nói.
UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn tất cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, thiết lập vùng trồng cà phê trên địa bàn phải tuân thủ quy định EUDR.
Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đảm bảo uy tín của ngành hàng cà phê Đắk Lắk. Khi đã vượt qua các thách thức, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhiều cơ hội sẽ mở ra sẽ cho ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.