Nghịch lý giá cà phê tăng cao nhưng doanh nghiệp lao đao

(PLO)- Giá cà phê tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk không tìm được nguồn cung. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-4, trao đổi với PLO, ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện giá cà phê tăng cao nhưng người trồng vẫn có xu hướng chờ giá nên ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp.

Giá cà phê tăng cao do dự báo

Theo ông Lưu, hiện giá cà phê ở mức hơn 120.000 đồng/kg, cao gấp ba lần trước đây, khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải huy động lượng vốn rất lớn.

“Doanh nghiệp vay vốn, chịu lãi suất để mua hàng nhưng vẫn không gom đủ hàng. Việc giá cà phê tăng cao gấp nhiều lần ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp”- ông Lưu nói.

giá cà phê 1.jpg
Người dân bán cà phê tại một đại lý ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.T

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng cao là do dự báo về cung cầu trong tương lai và thực trạng các nhà đầu cơ gom hàng.

“Theo dự báo, những biến đổi về khí hậu trong tương lai sẽ khiến nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt. Ngoài ra, cũng có lý do các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê tăng cao”- ông Minh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng giá cà phê tăng cao giúp người trồng hưởng lợi. Đây là tính hiệu đáng mừng và cũng là lẽ công bằng đối với người nông dân. Bởi hơn 10 năm qua, giá cà phê ở mức thấp đã quá sức chịu đựng của người trồng cà phê.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhận định ở thời điểm hiện tại, giá cà phê đã tăng quá cao, vượt ngoài dự báo là tín hiệu không tốt đối với ngành hàng cà phê.

“Mức giá cà phê hiện tại chưa bền vững. Khi giá không bền vững thì không tốt vì sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cà phê. Một khi các doanh nghiệp bị đổ vỡ, giá cà phê sẽ quay lại mức thấp”- ông Minh lo ngại.

Gom không đủ hàng, doanh nghiệp chịu lỗ

Ngày 19-4, PV đến một công ty mua gom cà phê tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột để ghi nhận thực tế. Ông T, đại diện công ty cho biết ông còn nợ số lượng lớn đơn hàng với đối tác trong nước.

Theo ông T, hằng năm đối tác đều ứng tiền để công ty ông mua gom cà phê số lượng lớn. Tuy nhiên, khi giá cà phê tăng quá cao, biến động từng ngày, công ty ông không thể gom đủ hàng để giao.

“Khi giá sầu riêng lên cao thì diện tích cà phê giảm. Việc cà phê giảm diện tích, giảm sản lượng cũng là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng cao như hiện nay”-ông T nói.

SST_4953.JPG
Công nhân loại bỏ tạp chất để sản xuất cà phê. Ảnh: T.T

Còn ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2/9 Đắk Lắk, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu tại Đắk Lắk, thừa nhận việc giá cà phê tăng cao khiến nguồn cung không đáp ứng kịp, doanh nghiệp xuất khẩu khan hiếm hàng.

Ông Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH ÊĐê Café (TP Buôn Ma Thuột), cho rằng hiện công ty của ông hầu như không còn nguồn cung về sản phẩm cà phê hạt.

“Giá cà phê cao, nguồn cung thiếu hụt, chúng tôi chỉ đáp ứng được những đơn hàng về sản phẩm hòa tan. Đối với những đơn hàng là sản phẩm cà phê hạt rang, chúng tôi cũng chới với vì khó tìm nguồn cung”- ông Y Pốt nói.

Theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP Buôn Ma Thuột), giá cà phê tăng cao không chỉ khiến nguồn cung khan hiếm mà còn khiến nhà sản xuất, chế biến cà phê mất đi khách hàng.

Ông Vương nói rằng đây là thời điểm rất nhạy cảm, đặt ra bài toán “hoặc tồn tại hoặc tử” đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cà phê.

"Giá cà phê đầu vào tăng đặt ra bài toán phải tính toán lại giá đầu ra để doanh nghiệp không bị lỗ. Việc này cần các doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết, cùng hiệp lực thực hiện vượt qua khó khăn. Nếu chỉ thực hiện riêng lẻ, rất dễ bị đối tác quay lưng"- ông Vương nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này hiện có hơn 212.000 ha cà phê, giảm hơn 400 ha so với niên vụ trước. Trong đó, có hơn 200.000 ha cho sản phẩm, ước tính sản lượng đạt gần 559.000 tấn/năm.

Niên vụ cà phê 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt 318.483 tấn, giảm 76.459 tấn, tương đương giảm 19% so với niên vụ 2021-2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 747 triệu USD, giảm 71 triệu USD so với niên vụ trước. Nếu so với niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk đều giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm