Chỉ riêng trong tuần vừa qua, thị trường vàng trong nước đã chứng kiến nhiều diễn biến bất ngờ của các phiên đấu thầu vàng. Với hai phiên bị hủy và một phiên chỉ có hai đơn vị tham gia, dường như diễn biến này cho thấy việc bình ổn thị trường vàng cần nhiều hơn là biện pháp đấu thầu.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều lý do đằng sau việc đấu thầu vàng không thành công lần này.
Thứ nhất, giá đấu thầu được cho là khá cao và không phản ánh đúng giá thế giới. Ở thời điểm cuối tuần trước, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chốt phiên khoảng 2.393USD/ounce thì đến thời điểm phiên đấu thầu vàng gần nhất vào ngày 25-4, giá vàng thế giới chỉ quanh mốc khoảng 2.329USD/ounce, tức hạ khoảng 64USD/ounce. Tuy nhiên mức giá chào thầu tại các phiên đấu thầu vàng không giảm tương xứng.
Cụ thể, ngày 25-4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng, cao hơn 1,6 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó (ngày 23-4). Mức giá này cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi khoảng gần 10 triệu đồng/lượng.
Như đại diện một doanh nghiệp chia sẻ gần đây với PLO, việc phải đấu thầu tối thiểu 1.400 lượng vàng mang đến rủi ro khá lớn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi một doanh nghiệp dù có quy mô lớn, mỗi ngày cũng chỉ bán ra được từ 200 đến 300 lượng vàng, 1.400 lượng có thể tương đương đến nửa tháng kinh doanh của họ, trong khi giá vàng thế giới đang biến động rất mạnh, vì vậy không khó hiểu tại sao doanh nghiệp có những sự ngại ngần.
Đại diện một doanh nghiệp khác từng tham gia đấu thầu vàng từ 11 năm trước thì cho hay, với phiên đấu thầu vàng ngày 25-4, phải qua dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới doanh nghiệp mới nhận được vàng. Trong khi đó từ nay đến đó là khoảng thời gian quá dài, giá vàng còn nhiều biến động, rủi ro ôm vàng khi giá thế giới biến động khó lường có phần “quá sức chịu đựng” của doanh nghiệp.
Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng với khối lượng chào thầu tối thiểu và mức giá bán vàng như vậy, cuộc chơi đấu thầu vàng đang có lợi cho các doanh nghiệp “nhà giàu”. Cụ thể ở đây là các ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý có tiềm lực tài chính tốt.
PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao. Nếu tính theo thời giá thị trường, giá vàng SJC là 81 triệu đồng/lượng, tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng.
Cả nước hiện có 38 đơn vị kinh doanh vàng nhưng có rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực để mua một lần 1.400 lượng vàng, tương đương hơn 110 tỉ đồng.
Ở lần đấu thầu 11 năm trước, Ngân hàng Nhà nước quy định khối lượng tối thiểu là 500 lượng. Như vậy là vừa sức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàng cùng tham gia, qua đó tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường, một chuyên gia với nhiều năm theo dõi thị trường vàng phân tích
Trong khi đó theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với đợt đấu thầu lần này, những thông tin được đưa ra đến hiện tại khiến cho doanh nghiệp thấy Ngân hàng Nhà nước luôn ở thế thắng. Chẳng hạn như, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng Ngân hàng Nhà nước được quyền hủy kết quả. Như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn.
Thứ ba, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đang coi vàng như một loại tài sản đặc biệt có phần không hợp lý. Trao đổi với báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng: Nhu về mua vàng SJC của người dân là chính đáng và họ có quyền bảo vệ tài sản qua việc mua vàng.
Cũng theo ông Hòe, về lý thuyết, muốn kéo mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước thì phải có một lượng vàng lớn với mức giá đủ thấp. Tuy nhiên, với thực tế đấu thầu như vậy, có thể thấy bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng có tính toán của mình. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng không mặn mà về việc trúng thầu mua vàng của Ngân hàng Nhà nước.
"Theo quan điểm của tôi, về dài hạn, toàn bộ quản lý giao dịch của thị trường vàng là trả về đúng khái niệm hàng hóa và để Bộ Công thương quản lý. Ngân hàng Nhà nước nên quay trở về với sứ mạng của mình, đó là chỉ quản lý vàng dưới dạng ngoại hối để bảo đảm tập trung cho mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn", chuyên gia Phạm Xuân Hòe đề xuất.