Theo đó, Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD (sau đây gọi là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu).
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, nghị quyết nêu rõ phải phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Đối với khái niệm nợ xấu, nghị quyết xác định rõ: Nợ xấu quy định tại nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017
Đối với việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, nghị quyết ghi rõ: Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với TCTD với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.
Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu các TCTD được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15-8-2017.
ĐBQH biểu quyết thông qua nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD. Ảnh: VGP
Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng với nghị quyết này, những nút thắt về xử lý nợ xấu, đặc biệt là tài sản đảm bảo chính thức được tháo gỡ. Nó sẽ hỗ trợ không chỉ cho các ngân hàng mà cả thị trường bất động sản lẫn chứng khoán, doanh nghiệp...
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội, tính đến cuối năm ngoái, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỉ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ (VAMC) đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỉ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ.
Như vậy, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỉ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Còn nếu tính tổng cả nợ xấu nội bảng, nợ có nguy cơ tiềm ẩn và nợ bán cho VAMC chưa được xử lý thì tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là 10,08%, tương đương khoảng 600.000 tỉ đồng.