Xử lý nợ xấu: Lo người làm sai thoát trách nhiệm

Sáng 23-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát của QH năm 2018. Nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) cho ý kiến là dự thảo nghị quyết của QH về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp này để thông qua.

Coi chừng một số người sẽ thoát

Trước đó, chiều 22-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Điều 5 của dự thảo nghị quyết quy định về việc bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường viết: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”. Nội dung này khiến nhiều ĐBQH và chuyên gia lo ngại những cá nhân gây ra nợ xấu sẽ thoát trách nhiệm.

Thảo luận tại tổ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung quá gấp và chưa được nghiên cứu kỹ. Theo ông, nghị quyết có những quy định trái với một số luật hiện hành sẽ gây thắc mắc lớn trong dư luận cử tri và cán bộ, công chức.

“Có dư luận trong một vài ĐBQH lo ngại coi chừng nghị quyết này giúp cho một số người thoát khỏi trách nhiệm của những sai phạm vừa rồi, trong khi những sai phạm này gây hậu quả hết sức nặng nề. Nhà nước phải lãnh trách nhiệm về mấy chục ngàn tỉ đồng nợ xấu ảnh hưởng đến ngân sách và tiền thuế của dân, trong khi xử lý cá nhân sai phạm rất chậm chạp, thu hồi tài sản khó khăn. Phải làm cho người dân hiểu nghị quyết này không làm hoặc vô tình khiến một số người có sai phạm gây tổn thất lại thoát khỏi trách nhiệm” - ĐB Nghĩa nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung quá gấp và chưa được nghiên cứu kỹ. Ảnh: T.PHÚ

Đề nghị không bán nợ xấu cho nước ngoài

ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho rằng việc ban hành nghị quyết là cần thiết. Tuy nhiên, ông đề nghị: “Nghị quyết này phải xác định rõ phạm vi giải quyết nợ xấu từ 31-12-2016 trở lại và chỉ tồn tại trong năm năm. Nếu không sẽ có một bộ phận trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục gây ra nợ xấu và dựa vào văn bản này để giải quyết. Song hành với nghị quyết này phải có cơ chế siết chặt trách nhiệm của những tổ chức để xảy ra tình trạng nợ xấu như vậy”.

Ông cũng đề nghị phải bổ sung trong nghị quyết một số nguyên tắc xử lý nợ xấu như: Không sử dụng ngân sách để mua nợ xấu; nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với những người gây ra nợ xấu; nguyên tắc không được phép bán nợ xấu cho nước ngoài.

“Sau nghị quyết cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam dẫn đến câu chuyện nhiều lô đất, bất động sản người nước ngoài mua. Nếu tổ chức nước ngoài mua nợ xấu đó thì có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hay không, độc lập chủ quyền thế nào?” - ĐB Đức nói.

Không loại trừ trách nhiệm hình sự người gây ra nợ xấu

Cuối ngày 23-5, hội thảo Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật do NHNN (NHNN) và báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, nhìn nhận số lượng nợ xấu lớn đang đe dọa nghiêm trọng không chỉ với hệ thống tài chính mà còn với toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia. “Trong bối cảnh này, chúng ta buộc phải có những quyết định rất đặc thù. Do đó việc xây dựng một nghị quyết về vấn đề nợ xấu là điều cấp bách” - ông Kiên cho biết.

Ông Kiên khẳng định nghị quyết này không dùng xử lý các khoản nợ xấu phát sinh sau 1-1-2017 và không xóa trách nhiệm đối với các sai phạm của tổ chức tín dụng tính đến thời điểm 31-12-2016. “Quan điểm của Ủy ban Kinh tế QH là không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ và mọi việc phải tuân thủ Hiến pháp. Tinh thần nghị quyết là đảm bảo theo nguyên tắc thị trường. Không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân sai phạm, gây ra nợ xấu” - ông Kiên lưu ý.

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, chuyên gia NH, hiện nay có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề có phải ra nghị quyết để ưu ái NH và chạy tội cho người gây ra nợ xấu. “Tôi khẳng định không có chuyện này vì nghị quyết xử lý cho cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống NH. NHNN đã chỉ đạo rất nghiêm trong quá trình xử lý nợ xấu nếu phát hiện sai trái sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật” - TS Hưởng nói và cho rằng việc ra nghị quyết này là quá muộn bởi nợ xấu đang đóng băng sáu năm nay. “Muộn còn hơn không, việc ra nghị quyết hơi gấp nhưng lại tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản bất động sản khi giá trị bất động sản đang tăng trở lại. Nghị quyết ra thời điểm này sẽ phá tan cục máu đông bất động sản để có vốn cho nền kinh tế” - vị này nhấn mạnh.

TRÀ PHƯƠNG

_________________________

Việc ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho NH mà ưu ái cần thiết cho nền kinh tế. Vấn đề ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Đặc biệt, người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh chứ không có sự bao che, dung túng bất kỳ ai ở đây.

TS VÕ TRÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm