Chiều 26-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Đa số ĐB đồng tình về việc ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu nhưng một số ĐB vẫn còn băn khoăn.
Muốn vay tiền thì phải “bôi trơn”
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh, cho rằng nguyên nhân của nợ xấu là do nhân viên ngân hàng (NH). Là người tham gia xét xử nhiều vụ án liên quan đến NH, ông Bộ dẫn chứng khi thẩm định tài sản đảm bảo cho vay, nhiều nhân viên NH đã không trung thực, giá trị căn nhà cấp 4 chỉ 100 triệu đồng nhưng đã bị đẩy giá lên giá của nhà cao tầng. Hay có trường hợp khi ra tòa, bị cáo khai: “Nói thật với tòa, giờ nói không có chứng cứ vì khi vay chỉ mong được việc nhưng với khoản vay 500 triệu đồng tôi chỉ thực nhận 450 triệu đồng, 50 triệu đồng còn lại phải chi cho nhân viên NH”.
ĐB Bộ cho biết ông cảm thấy sốt ruột với ngành NH bởi mở mắt ra phố nào cũng có NH. “NH mọc như nấm, vậy tiền đâu để nuôi bộ máy, trả lương cho nhân viên trong khi một ngày chỉ vài người đến giao dịch” - ông Bộ nêu thực tế.
ĐB đến từ An Giang cũng cho rằng nghị quyết cần nêu rõ phạm vi xử lý nợ xấu từ thời điểm nào, tránh tình trạng tạo cơ chế bật đèn xanh cho việc tiếp tục vi phạm, cho vay ngầm.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sẽ không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Ảnh: C.Luận
Lo ngại hợp thức hóa sai phạm
Theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), lâu nay nợ xấu được xử lý thông qua Công ty Mua bán nợ các TCTD (VAMC), VAMC như một cái kho chứa nợ xấu nhưng bản chất VAMC do NHNN thành lập. “Chúng ta cứ nói không lấy ngân sách xử lý nợ xấu nhưng VMAC mua nợ của các NH thì rõ ràng tiền Nhà nước chứ tiền ở đâu? Tôi chưa thấy VAMC có giải pháp xử lý nợ xấu thế nào. Do đó, chúng ta cần phải xem lại VAMC và hiệu quả của quá trình mua bán nợ xấu này” - ĐB Thơ đặt vấn đề.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ những khoản nợ trong giải trình chưa rõ, lý giải tại sao thành lập VAMC để giải quyết nợ xấu. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần làm rõ việc mua bán nợ xấu có làm được theo giá thị trường hay không vì bán đấu giá thì thời gian qua có nhiều vấn đề. “Ai đấu giá? Có thao túng đấu giá hay không? Có làm giá không? Một miếng đất có vài trăm triệu, khi làm thế chấp nâng lên vài tỉ mà dự thảo cho phép bán giá thấp hơn giá ghi sổ thì như vậy là hợp thức hóa sai phạm” - bà Tâm lưu ý.
ĐB Đoàn Hồng Phong (Nam Định) cũng đặt vấn đề dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến câu chuyện không dùng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu. Nếu thực hiện không khéo lại mang tiền ngân sách - khoản đóng góp của dân đi xử lý hậu quả của NH để lại.
“Vấn đề băn khoăn hiện nay là tổng dư nợ của NH là bao nhiêu, tài sản đảm bảo bao nhiêu, vốn chủ sở hữu của NH thế nào. Tôi đồng ý chủ trương ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu nhưng phải có nội dung xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu một cách nghiêm minh. Nghị quyết viết còn nhẹ quá, chưa thể hiện được tính nghiêm minh trong khi trách nhiệm rất lớn. Một khi Nhà nước đã nhúng tay can thiệp thì phải làm nghiêm hơn để ngăn chặn, không nên kéo dài mãi tình trạng nợ xấu” - ĐB này nói.
Giải quyết nút thắt trong xử lý nợ xấu
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc bán nợ xấu phải theo nguyên tắc thị trường. “Đã bán nợ xấu thì phải theo nguyên tắc thị trường. Nhưng phải đấu giá công khai, minh bạch. Không thể tài sản người ta trị giá 1 tỉ đồng mà chỉ định giá có 600, 700 triệu đồng. Khi chấp nhận nguyên tắc thị trường trong việc bán nợ xấu thì giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ. Đây là vấn đề giải quyết nút thắt xử lý nợ xấu” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH, trong hoạt động tín dụng thì nợ xấu là điều không thể tránh khỏi ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng nợ xấu thấp dưới mức tổng nợ cho vay thì là nợ xấu bình thường. Nếu tổng nợ xấu là 10,08% thì không bình thường nữa.
Bà Kim Ngân cũng nhấn mạnh nghị quyết xử lý nợ xấu ban hành không phải để hợp pháp hóa các hoạt động trái pháp luật mà nhằm giải quyết khó khăn của các TCTD. “Việc chốt xử lý nợ xấu đến 31-12-2016 là có cơ sở. Hơn nữa việc phát sinh nợ xấu không phải có từ năm ngoái đến năm nay, do đó nên có một cái chốt lại từ năm 2016 trở về trước” - bà Kim Ngân giải thích và khẳng định nguyên tắc không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Không bao dung những người làm sai Nghị quyết này không phải là bao dung cho những người làm ăn sai trái. Giả sử nợ xấu không được xử lý thì các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro để bù lại cho đến khi nào hết nợ thì thôi. Có nhiều tổ chức nước ngoài sẵn sàng bỏ 10 tỉ USD mua lại nợ xấu Việt Nam. Nhưng những tài sản doanh nghiệp nhà nước thì phải giấy tờ đầy đủ. Doanh nghiệp mình nhiều khi giấy tờ lởm khởm lắm, nhiều khi tài sản không bán được là vì giấy tờ. Người ta sẵn sàng như vậy vì họ biết có những khoản nợ xấu mua thì sẽ lỗ nhưng có nhiều khoản sẽ lãi. Nhưng tính tổng lại thì họ vẫn lãi. Không có NH nào thích nợ xấu. Có nhiều người nghĩ nghị quyết này có gì đó ưu ái NH hoặc ưu ái những người gây ra nợ xấu. Tôi khẳng định tất cả người gây ra nợ xấu vẫn phải xử lý nghiêm, trước xử thế nào nay xử như vậy. Ông NGUYỄN VĂN BÌNH, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, |