Chính phủ khuyến khích đầu tư vào giao thông

Tại cuộc trao đổi với đại diện hơn 70 tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới tại Hội nghị Kinh tế quốc tế hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở. Chính phủ Việt Nam cũng như mỗi người dân Việt Nam rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần hợp tác cùng có lợi.

Viễn thông đang chờ rót vốn

Đại diện hãng Nokia đề nghị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản hồi luôn với việc họ tham gia vào cơ sở hạ tầng viễn thông, nhất là việc phát triển băng tần rộng. Thủ tướng cho hay Chính phủ đang dành ưu tiên cho việc đầu tư vào viễn thông, trong đó trọng tâm là phát triển băng thông rộng và di động. Ông cũng tỏ ra tiếc vì Nokia mới chỉ xúc tiến việc bán điện thoại tại Việt Nam mà chưa chú trọng đầu tư hạ tầng. “Hiện Việt Nam có chín công ty viễn thông và chúng tôi khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các doanh nghiệp này” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

General Electric (GE) cũng bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng như ngành điện lực, dầu khí. Đại diện của GE đã bình luận Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và có triển vọng trở thành một con hổ mới ở châu Á. Việt Nam là một nước hấp dẫn đối với đầu tư với lực lượng lao động làm tốt...

Phải chăng cơ sở hạ tầng đang cản trở sự phát triển và tăng trưởng vì có cảm giác đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đang không đáp ứng đủ, theo kịp tốc độ tăng trưởng của đất nước? Đây là điều mà hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong nhóm năm nhiệm vụ mà Chính phủ tập trung chỉ đạo thì việc tạo mọi điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực là chủ yếu. Nếu không giải quyết nhanh hạ tầng thì sẽ hạn chế sự phát triển của các nhà đầu tư. Để đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ vừa trực tiếp đầu tư vừa khuyến khích tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế kể cả trong và ngoài nước đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam phát triển đồng bộ các loại hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm là hạ tầng giao thông và điện lực. “Hạ tầng giao thông bao gồm phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP.HCM. Quan tâm phát triển ngành hàng không Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh về đầu tư, thương mại, du lịch vì thị trường hàng không Việt Nam tăng bình quân 15%-18%/năm liên tục hơn 20 năm qua. Mới đây, Việt Nam đã ký mua 35 máy bay của Airbus nhưng vẫn chưa đủ, tôi khuyến khích các tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này” - Thủ tướng nói.

Chưa mở room cho nhà đầu tư ngoại

Giới đầu tư nước ngoài tỏ ra băn khoăn về việc cổ phần hóa đang chậm lại và mới diễn ra ở mức bán công khai. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh còn 1.400 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Năm 2001 con số này là 6.000. Ông khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty sẽ được cổ phần hóa, sẽ hoàn thành trong hai năm 2008-2009, còn lại một ít hoàn thành trong năm 2010.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng hoan nghênh các nhà đầu tư mua cổ phần và tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ nhưng sau hai năm phát triển thì số vốn hóa đã chiếm 40% GDP. Sự tăng trưởng như vậy nhờ có sự cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việt Nam đã đề ra quy định hiện hành là nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào doanh nghiệp đang mở room ở mức 49% còn tham gia cổ phần hóa ở ngân hàng thì mở room ở mức 30%. Đây là bước đi đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế Việt Nam mà quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Tom Tobin, Tổng giám đốc của HSBC tại Việt Nam, đã nhận xét rất lạc quan về tương lai của Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2008. Hơn nữa, HSBC muốn chứng kiến những thay đổi to lớn của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm thứ hai gia nhập WTO. Hoạt động cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh, thành lập những ngân hàng mới trong nước, ngân hàng 100% vốn nước ngoài... Điều này sẽ mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ cho các khu vực kinh tế khác.

Việt Nam sẽ đẩy lùi được tham nhũng

Tại hội nghị, các nhà đầu tư nước ngoài đều rất quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng khi quyết định rót vốn vào Việt Nam.

Chính phủ khuyến khích đầu tư vào giao thông ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc này cần làm kiên trì và liên tục. Tham nhũng là thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, thách thức đối với sự tồn vong của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng, vì không có gì quyết tâm mà không làm được. Đây là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp thế nhưng Chính phủ và mỗi người dân Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì, đồng bộ giải pháp và làm liên tục. Sự nghiệp chống tham nhũng phải thực hiện kiên quyết, kiên trì, đồng bộ các giải pháp và theo pháp luật. “Trong thời gian qua, chúng tôi đã đạt được một số kết quả. Tôi tin với đà này, nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn này” - Thủ tướng nói.

LÊ THANH- XUÂN LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm