Xin 1 màn hình quảng cáo ngoài trời phải qua 7 sở, ngành

(PLO)- Tại TP.HCM để xin quảng cáo trên một màn hình điện tử ngoài trời phải qua bảy sở, ngành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-4, tại TP.HCM, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quảng cáo”.

Ban tổ chức lắng nghe góp ý quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo ngoài trời; hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng; quy định về hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội

Doanh nghiệp ngoại muốn mua công ty quảng cáo Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Nhựt, Giám đốc Công ty Shojiki, Chủ nhiệm câu lạc bộ quảng cáo ngoài trời TP.HCM cho biết, thị trường quảng cáo Việt Nam quy mô 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên, gần đây những ngành quảng cáo do doanh nghiệp (DN) Việt làm chủ như quảng cáo tivi giảm, quảng cáo báo chí cũng giảm cực kỳ mạnh. Ngược lại quảng cáo qua digital tăng cao.

Theo ông Nhựt, quảng cáo ngoài trời hiện nay 90% DN Việt làm chủ, đây là điều đáng mừng. Trong khi ngành quảng cáo digital không dưới 65% tiền chảy vào các DN như Google, Meta…

“Thời gian này DN bất động sản cắt giảm quảng cáo nhiều nên DN quảng cáo ngoài trời khó khăn. Hơn nữa chúng tôi áp lực với các DN nước ngoài có nhiều nguồn lực, họ vào đây hỏi mua công ty Việt Nam. Rất may đến nay nhiều DN trong nước trả lời không, chúng tôi muốn làm chứ không bán”- ông Nhựt nói.

Ông Nhựt cho biết thêm, đối với quảng cáo digital rất linh động xin phép, trong khi quảng cáo ngoài trời quá trình xin phép mất nhiều thời gian.

Ngay tại TP.HCM để xin quảng cáo trên một màn hình điện tử ngoài trời phải qua bảy sở ngành. Do đó, nếu phát sinh thêm thủ tục xin nội dung quảng cáo cho từng chiến dịch như dự thảo, số DN bỏ loại hình quảng cáo ngoài trời điện tử chuyển sang quảng cáo online dự kiến tăng.

Đại diện Heineken Việt Nam cho biết, mong muốn Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho DN có nhu cầu quảng cáo.

Theo vị này, qua nghiên cứu Luật sửa đổi, Heineken quan tâm quy định quảng cáo ngoài trời. Thủ tục xin phép khá khó khăn, nhất là những địa điểm chưa xác định rõ quyền sử dụng.

“Ví dụ có một mảnh đất vừa giải tỏa thì thường thành phố giao cho cấp phường quản lý và họ cho thuê tạm thời. Đương nhiên không có giấy phép đầy đủ nhưng người thuê có thể bán hàng, họ có nhu cầu đưa bảng hiệu lên để giới thiệu với khách hàng. Chúng tôi gặp khó khăn, muốn dựng biển quảng cáo ở đó không đầy đủ hồ sơ pháp lý”- vị này nói.

Bên cạnh đó, khi làm việc với các chủ cửa hàng, họ treo biển hiệu cửa hàng lên trong đó có tên nhãn hàng bia. Có địa phương xem đó là biển hiệu của cửa hàng, có địa phương xem đó là biển hiệu quảng cáo yêu và yêu cầu xin giấy phép. Do đó, kiến nghị Luật sửa đổi cần làm rõ.

Ngoài ra, ở các nhà hàng bên trong có biển thể hiện chữ Tiger, Heineken. Quan điểm của DN đó là biển thông tin cung cấp cho khách hàng khi bước vào khu vực đó.

“Một số địa phương cho đó là quảng cáo nên yêu cầu phải xin phép. Không phải DN nào cũng thông thạo luật, khi bị phạt họ băn khoăn về hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, mong ban soạn thảo làm rõ hơn.

Làm sao không tăng thêm giấy phép con, thủ tục để giúp DN có thể truyền tải quảng cáo của mình”- đại diện Heineken nói

quảng cáo
Nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo. Ảnh: TÚ UYÊN

Cần quản lý KOLs, KOC

Đại diện nhóm quảng cáo số, ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch liên minh chuyển đổi số cho biết, Luật sửa đổi quy định “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”.

Với mạng xã hội là cá nhân, việc đánh giá sản phẩm, quảng bá các nhãn hàng không nhất thiết nhận tiền trước từ nhãn hàng họ thực hiện hành vi này.

Theo ông Bảo, hiện nay người có ảnh hưởng (KOLs), người tiêu dùng chủ chốt (KOC) mọc như nấm, gần như “ảnh hưởng” đến các đại lý quảng cáo, thương mại điện tử.

“Trước đây ngành quảng cáo chỉ quan tâm quản lý người nổi tiếng, phát ngôn quảng cáo các sản phẩm sai sự thật nhưng bây giờ KOC, kOLS rất nhiều.

Hơn nữa KOLs, KOC khó khăn phân biệt. Chẳng hạn một KOLs có vài triệu người theo dõi, một phiên livestream có hàng trăm ngàn người xem, ảnh hưởng hơn cả nổi tiếng. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn nhóm này”- ông Bảo nói.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, Luật sửa đổi yêu cầu “Người có ảnh hưởng phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Quy định này cần chỉnh sửa".

Ví dụ, một số DN Amcham khi thực hiện chiến dịch quảng cáo thường thuê một đơn vị dịch vụ thực hiện, có hợp đồng, có nội dung quảng cáo... Khi đơn vị dịch vụ thuê lại người có ảnh hưởng thì hợp đồng cũng cho biết truyền tải nội dung quảng cáo gì... Do đó, nếu yêu cầu DN phải xác nhận nội dung quảng cáo rườm rà thủ tục.

Cũng theo vị đại diện trên, Luật sửa đổi quy định “Người ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”. Tuy nhiên, cần nêu rõ bằng chứng là gì để tránh gây tranh cãi.

Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) cho biết, ghi nhận, sẽ tổng hợp các góp ý của DN. Trong đó, khái niệm “Người ảnh hưởng” đây là nhóm rất quan trọng, cần xem xét dù khái niệm này đã quy định ở Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Theo ông Nhựt, tại TP.HCM quảng cáo ngoài trời nói chung đang rất phát triển và có thể điển hình trở thành quảng trường thời đại của cả Châu Á- Thái Bình Dương nếu như Luật cởi mở hơn.

“Nếu du khách khi vào thành phố nhìn thấy các quảng cáo sôi động, thể hiện sức sống của thành phố. Sau đó có thể quyết định đầu tư vào. Nếu Luật quảng cáo thông thoáng sẽ hỗ trợ nhiều tăng thương hiệu, giúp nền kinh tế phát triển”- ông Nhựt nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm