Có “xóa sổ” thị trường Malaysia?

Thưa ông, sau một loạt “sự cố” với lao động tại Malaysia, nhiều ý kiến cho rằng thị trường này đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" . Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thực tế từ trước đến nay, đây là thị trường mà các doanh nghiệp đưa đi được nhiều lao động nhất. Cụ thể, trong năm 2007, chúng ra đã đưa đi được sang Malaysia khoảng 20.000 người.

Đây cũng là thị trường bình dân cả về điều kiện tuyển dụng lẫn chi phí mà người lao động phải bỏ ra. Vì thế, Malaysia đã từng được xem là thị trường “vàng”, thu hút rất nhiều lao động Việt Nam. Hiện, có khoảng 115.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại quốc gia này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường Malaysia cũng xảy ra một vài sự cố… Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là với bất cứ thị trường nào chúng ta cũng cần làm tốt từ khâu tạo nguồn đến khâu chọn đơn hàng…

Đặc biệt, với các doanh nghiệp đưa đi số lượng nhiều dứt khoát phải có cán bộ để quản lý. Bằng mọi cách phải có cán bộ quản lý để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Nếu làm được như vậy, tôi cho rằng Malaysia vẫn là thị trường tốt, vẫn là thị trường mà chúng ta tiếp tục phát triển được.

Nhưng thưa ông, một thực tế hiện nay là người lao động đang có xu hướng “tẩy chay” thị trường Malaysia, các doanh nghiệp thì đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn. Theo ông, nguyên nhân chính ở đây là gì?

Đúng là cái khó hiện nay của thị trường Malaysia là nguồn lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động thì cũng do yếu tố bên ngoài quyết định. Theo tôi, nếu chúng ta tìm được đơn hàng tốt, lương cao cộng với quản lý tốt thì chắc chắn người lao động sẽ đi.

Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân, người lao động hiểu đi xuất khẩu lao động là để giải quyết công ăn việc làm, là đi làm thuê chứ không phải là đi làm giàu. Lao động của chúng ta thường mang tâm lý đi xuất khẩu lao động để làm giàu, đổi đời nên họ hay có những đòi hỏi cao trong khi năng lực lại rất hạn chế.

Tôi lấy ví dụ thế này nhé, với lao động Philippinnes, Ấn Độ, Nepalhay Bangladesh…họ rất chịu khó, nhiều lúc chỉ với mức thu nhập 100 USD/tháng, thậm chí 70-80 USD họ cũng làm. Trời nắng chang chang họ vẫn làm thêm những công việc như quét đường để kiếm 70-80 USD/tháng. Nếu bị mất việc chỗ này họ chủ động đi kiếm việc khác để làm.

Tóm lại, người lao động của họ rất chủ động chứ không như người lao động mình, mất việc hay lương thấp là quay ra biểu tình, đình công, đánh nhau…

Mặt khác, trình độ tiếng Anh của lao động mình rất kém so với lao động các nước, tỷ lệ qua đào tạo hiện nay rất thấp, dẫn đến nguồn lao động ít, ý thức của người lao động cũng chưa cao. Trong khi đó, chúng ta lại không nhận ra được cái yếu kém của mình. Vì thế, rất khó để chúng ta đưa đi nhiều lao động với thu nhập cao.

Cũng phải nói thêm, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thị trường, khiến người lao động không mặn mà với Malaysia chính là ở doanh nghiệp.

Khi về địa phương, tiếp thị, quảng cáo giới thiệu, các doanh nghiệp cứ mặc nhiên "bốc phét", cạnh tranh nhau bằng cách nói “luyên thuyên” rằng chi phí thấp, lương cao…nhưng thực chất nhiều khi lại ngược lại. Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ bị mất uy tín và lao động không muốn tìm đến họ nữa.

Thế còn thông tin về số lao động chết ở Malaysia thì sao? Nhiều lao động đã “chùn bước” khi có ý định sang đây làm việc?

Thực ra thông tin về số lao động chết tại Malaysia không phải bây giờ báo chí mới nói. Năm 2005, báo chí cũng đã phản ánh hiện tượng này và Bộ đã cử một đoàn công tác đặc biệt, do các chuyên gia của Bộ và Bộ Y tế sang Malaysia để tìm hiểu nguyên nhân chết, môi trường ăn ở của lao động Việt Nam...

Nguyên nhân lao động Việt Nam bị chết được xác định là do đột tử, tai nạn giao thông và bị sát hại. Tỷ lệ số lao động chết đã giảm từ 0,14% năm 2004 xuống còn 0,09% năm 2007.

Nói về nguyên nhân khiến nhiều lao động Việt Nam bị tử vong tại Malaysia thời gian qua, tôi thừa nhận có những hạn chế trong khâu kiểm tra sức khỏe của lao động trước khi xuất cảnh. Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ làm việc với Bộ Y tế để điều chỉnh.

Cụ thể là sẽ có một điểm rất mới trong việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, đó là Bộ Y tế phải đánh giá định kỳ sức khỏe của người lao động Việt Nam tại nước ngoài; thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế khám chữa bệnh cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ giám sát kỹ chất lượng lao động. Ngoài chất lượng chuyên môn, chất lượng sức khỏe sẽ được đặt lên hàng đầu.

Sắp tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển thị truờng xuất khẩu lao động, đặc biệt là thị trường Malaysia.

Theo Quỳnh Lam ( VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm