Cước vận tải “nín thở” chờ Tết

heo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã xe buýt TP.HCM, sau khi giá xăng dầu tăng, tính ra mỗi tháng mỗi xe buýt phải tốn thêm 2,7-3 triệu đồng trong khi giá vé và mức trợ giá vẫn không tăng. “Xã viên phải ứng thêm tiền để đổ dầu và chờ Trung tâm quản lý xe buýt, Sở Giao thông Công chính có ý kiến về điều chỉnh giá vé, mức trợ giá. Nếu kéo dài tình trạng này, nhiều xã viên không kham nổi sẽ buộc phải sang bán xe thôi” - ông Hải nói.

Lỗ nhưng không dám hó hé

Về phía các doanh nghiệp vận tải đường dài, từ đầu tháng 11, Doanh nghiệp tư nhân Rạng Đông đã hạ 30% giá vé xe khách đi tuyến Buôn Ma Thuột. Cuối tháng, giá xăng dầu tăng nhưng theo Giám đốc Nguyễn Thanh Tâm, doanh nghiệp vẫn phải kéo dài chương trình giảm giá này đến cuối tháng 12. “Mỗi ngày chúng tôi bị mất thêm năm triệu đồng tiền dầu nhưng cũng phải “ngậm đắng” để giữ chữ tín với hành khách” - ông Tâm nói.

Tại Bến xe Miền Đông, loại vé mới của các doanh nghiệp tự in và bán ra hoặc ủy thác cho bến in và bán vừa đưa ra sử dụng nên theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc bến, sẽ khó có việc tăng giá. Vì nếu tăng, các doanh nghiệp sẽ phải in vé mới, thêm phần tốn kém.

Theo ông Đoàn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Dũng và ông Thân Đức Lầu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc, hiện chưa phải cao điểm mùa vận tải, khách ít nên nhiều doanh nghiệp không dám tăng giá cước sau khi giá xăng dầu tăng, thậm chí có doanh nghiệp còn hạ giá để cạnh tranh. 15 ngày qua, Công ty cổ phần Ngôi sao Tương Lai (taxi Future) đã giảm giá cước từ 9.000 đồng/km xuống còn 8.500 đồng/km, bằng với giá của nhiều hãng khác. Ông Võ Ba, Giám đốc Công ty, cho biết sau khi giá xăng dầu tăng, công ty vẫn giữ nguyên giá trên. Tuy nhiên, hiện nhiều hãng taxi đang nhìn nhau để giữ nguyên giá hoặc sẽ cùng nhau tăng giá trong thời gian tới.

Tết này, giá xe sẽ đắt đỏ

Theo ông Hồ Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, từ đầu năm 2007 đến nay, giá xăng dầu đã tăng bốn lần trong khi giá cước vận tải vẫn “đứng”. Theo ông Hưởng, sau các lần tăng giá xăng dầu trước đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đã sắp xếp lại bộ máy, giảm các chi phí hành chính để không phải tăng giá cước. Nhưng lần này, hiệp hội không còn dám kêu gọi các đơn vị làm như trên nữa vì giá cả thị trường đã leo thang đến... chóng mặt, vượt quá sức chịu đựng của các đơn vị vận tải.

Theo ông Hưởng và chủ các doanh nghiệp vận tải, giá cước là do từng đơn vị vận tải tự xây dựng, quyết định và thông báo với Sở Tài chính và Sở Giao thông Công chính. “Giá cước vận tải không còn do nhà nước quản lý, hiệp hội tác động. Chúng tôi phải tôn trọng quyết định về giá cước của doanh nghiệp. Giá của họ hợp lý thì được hành khách chấp nhận” - ông Hưởng nói.

Theo ông Đoàn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Dũng, hiện các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho đợt tăng giá cước vào dịp đi lại Tết âm lịch. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết cuối tuần này Bến xe Miền Đông sẽ họp bàn kế hoạch vận tải Tết và chắc chắn vấn đề tăng giá cước sẽ được các doanh nghiệp đưa ra. Theo nhiều doanh nghiệp, thời điểm này họ có thể “nín” nhưng dịp cuối năm sẽ “bung” giá cước tăng lên tới 60%-80%, trong khi năm trước là 20%-60%. “Chắc chắn có nhiều doanh nghiệp ngoài việc tăng giá cước mười ngày trước Tết sẽ thông báo kéo dài thêm hai, ba ngày sau Tết. Họ làm như vậy là để “lấy lại” khoản tốn kém do giá xăng dầu lên và phải chịu đựng kéo dài” - ông Thừa nhận định.

Chiều 26-11, ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý xe buýt TP.HCM, cho biết nơi này đang xem xét lại cơ cấu giá vé và sẽ có báo cáo lên Sở Tài chính và Giao thông Công chính về những ảnh hưởng tới hoạt động của xe buýt sau khi giá xăng dầu tăng.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm