EVN được tự quyết tăng giá điện 20%/năm là quá cao

Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo (lần ba) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế cho Quyết định 69/2013 đang áp dụng.

Theo dự thảo, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trong khi đó, đối với tăng giá, EVN được phép tăng giá điện 3%-5% nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi ở mức tương ứng (trước đây là 7%).

Thời gian giữa các lần điều chỉnh được rút xuống ba tháng (trước đây là sáu tháng). Mức tăng tối đa mỗi năm cho giá bán lẻ điện trong thẩm quyền của EVN là 20%. Với những mức điều chỉnh cao hơn, EVN sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng quyết định.

Góp ý về dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định EVN được chủ động tăng đến 20%/năm là tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.

VCCI cho biết theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Như vậy, việc trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20%/năm là khá cao so với mức biến động giá bình thường.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng việc giao quyền tự quyết giá điện cho EVN là vừa đá bóng vừa thổi còi. EVN là doanh nghiệp độc quyền nên Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần.

“Chúng ta cần có cơ quan tư vấn độc lập thẩm định giá có đủ năng lực, tách bạch khỏi EVN cũng như Bộ Công Thương. Nếu cơ quan chủ quan cũng như doanh nghiệp độc quyền được điều chỉnh với cơ chế lưỡng tính sẽ không hợp lý và giá điện luôn tăng, chứ không có chuyện giảm” - ông Long nêu quan điểm.

Bộ Công Thương vẫn đưa quỹ bình ổn vào giá điện

Dự thảo của Bộ Công Thương cũng đưa ra cơ chế hoạt động Quỹ bình ổn giá điện. Dù trước đó nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất không nên đưa quỹ bình ổn vào giá điện.

Quỹ bình ổn giá điện được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện. Nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh điện. EVN thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.