Lễ ra mắt dự án an toàn thực phẩm (ATTP) của IFC tại Việt Nam vừa được IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi), tổ chức tại TP.HCM ngày 1-7.
Trong buổi lễ ra mắt này, IFC và Cty Bel Gà đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ cho ba trang trại chăn nuôi gia cầm độc lập trong chuỗi khách hàng của Bel Gà nhằm giúp các trang trại này đạt chứng nhận GlobalG.A.P.
Chứng nhận GlobalG.A.P sẽ giúp các trang trại tăng cường vệ sinh ATTP, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động của các trang trại; giúp cải thiện sức khỏe thú y và hiệu quả hoạt động ở các trang trại; giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác tiềm năng giữa các trang trại này với các nhà bán lẻ đa quốc gia, chuỗi nhà hàng và các công ty chế biến thực phẩm nội địa cũng như xuất khẩu.
Được biết ba trang trại chăn nuôi gia cầm nói trên đã tham gia cùng với các công ty Bel Gà, De Heus và Koyu & Unitek tạo thành chuỗi giá trị sản xuất, chế biến gia cầm đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ba trang trại gà của Việt Nam được hỗ trợ lấy chứng nhận quốc tế GlobalG.A.P.
Phát biểu trong buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao chuỗi liên kết nói trên và cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với ngành chăn nuôi Việt Nam khi mà giá trị xuất khẩu của ngành hàng này vẫn còn hạn chế. Bộ NN&PTNT mong muốn trong thời gian tới, cách làm này sẽ mở ra với thịt heo và các mặt hàng nông sản khác.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết mục tiêu chiến lược của ngành chăn nuôi Việt Nam là phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng đến xuất khẩu với các sản phẩm chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn ATTP và giá thành cạnh tranh. Để đạt mục tiêu này, sản xuất chăn nuôi sẽ được tổ chức lại theo chuỗi liên kết, gắn kết các khâu giết mổ, chế biến với kết nối thị trường, trong đó áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến, an toàn như VietGAP, GlobalG.A.P… mang tính quyết định.