Game thuần Việt giành lại thị trường

Sau một thời gian dài tạo được cơn “địa chấn” về doanh thu, ngành công nghiệp game bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là các game thủ thấy nhàm chán vì các yếu tố nước ngoài. Nhiều game vừa nhập vào đã lập tức bị khai tử. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp nội nhanh chóng chuyển hướng, thay vì nhập khẩu thì họ chuyển sang tự sản xuất.

Thời của game Việt

Khởi đầu cho làn sóng mới phải kể đến nhà cung cấp dịch vụ VinaGame. Doanh nghiệp này khá thành công với game online Võ lâm truyền kỳ. Sau hơn ba năm chuẩn bị, VinaGame tuyên bố sẽ tung ra bản game Việt Nam đầu tiên vào tháng 8 năm nay với tên gọi Thuận thiên kiếm. Đây là một game dã sử Việt Nam thể loại nhập vai trực tuyến nhiều người chơi. Theo nhà sản xuất, Thuận thiên kiếm khởi động từ năm 2006, sau một thời gian dài phát triển, đội ngũ thiết kế game đã lên đến con số hơn 70 chuyên gia là những nhà nghiên cứu, họa sĩ thiết kế, nhà báo, kỹ sư tin học, cùng hàng trăm cộng tác viên và người hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại VinaGame, cho biết có thể nói đây là dự án có kinh phí cao nhất trong các dự án của VinaGame. So với nhập khẩu game nước ngoài thì chi phí sản xuất game cao gấp 3-4 lần. Với mức chi phí bỏ ra không hề nhỏ, VinaGame cũng đặt mục tiêu Thuận thiên kiếm không chỉ là game online có nội dung Việt Nam đầu tiên, mà còn là game Việt Nam đầu tiên có số lượng người chơi đông đảo và doanh thu không thua kém các sản phẩm game cùng loại đang được phát hành.

Cũng như Thuận thiên kiếm, thể loại web game do các doanh nghiệp trong nước tự viết cũng đang có xu hướng phát triển mạnh. Mặc dù kinh phí đầu tư nhỏ, khả năng thu hút game thủ không cao, tuy nhiên thể loại này cũng tạo được dấu ấn. Nổi trội có Tranh hùng là sản phẩm web game Việt Nam đầu tiên có mặt trên thị trường do đội ngũ kỹ sư Việt thuộc công ty phần mềm Sunsoft phát triển trong gần một năm qua. Theo nhà sản xuất này, đây cũng là game đầu tiên ứng dụng được cả trên điện thoại di động.

Ngoài ra, cũng còn khá nhiều game khác như Sinh tử môn, các game văn phòng thuần Việt của Zing, cá ngựa, ô quan... thời gian qua đã thu hút được hơn 10 ngàn game thủ.

Vẫn còn rối về nội dung

Các doanh nghiệp game trong nước đã không còn gặp khó khăn về kỹ thuật như trước đây. Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất, cái khó nhất hiện nay chính là nội dung, không chỉ phải theo khuôn phép mà còn làm đội các chi phí lên cao.

Theo ông Lê Đăng Tâm, đại diện truyền thông Sunsoft, các game Việt Nam tự sản xuất có lợi thế là cạnh tranh với các game ngoại bởi các yếu tố truyền thống, ngôn ngữ. Đặc biệt là với các dạng web game chi phí phù hợp với doanh nghiệp vừa. Tuy nhiên, cái khó ở đây chính là các vấn đề về lịch sử khi khai thác trong game, các nhà sản xuất rất ngại, vì trong game thì có thắng, có thua nhưng nó lại ít nhiều liên quan đến lịch sử.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại VinaGame, cho biết để thực hiện một game mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử Việt Nam là việc rất khó khăn và rất tốn kém. Cụ thể như Thuận thiên kiếm, trong quá trình tái hiện bối cảnh văn hóa lịch sử trong game, doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua rào cản này. Chẳng hạn, để tái hiện lại những bối cảnh trong game Thuận thiên kiếm, Vina Game đã phải cử những chuyên viên đi thực tế tại khắp mọi miền đất nước để chụp ảnh, ghi chép, cảm nhận thực tế, phác họa lại những công trình kiến trúc cổ và đưa vào game một cách trung thực nhất. Ngoài ra, đội ngũ làm game cũng phải thường xuyên nghiên cứu các tư liệu, hình ảnh, sử sách, cổ vật Việt Nam còn lưu giữ đến ngày hôm nay.

Theo một số nhà sản xuất, từ nhập game đến làm game là một xu hướng tất yếu, vì với xu hướng phát triển chung, doanh nghiệp không thể chỉ tồn tại trong vai trò là nhà phát hành.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm